Tìm kiếm trong Blog này

30 tháng 6, 2009

CHUYỆN TÌNH HOA PENSEE




Người VN mình thường gọi hoa pensée với những cái tên rất mộc mạc "hoa bướm", "hoa Păng-xê" hay "hoa tương tư". Hoa Bướm, có lẽ vì cánh hoa nhiều màu sắc, mỏng mượt như nhung và có hình dạng như con bướm đang đậu trên cành. Một cách quý phái hơn, hoa pensée được biết đến với tên gọi "Tử La Lan".


Tên hoa Pensée có nguồn gốc từ tiếng Pháp là "
nỗi nhớ nhung, tơ tưởng, tương tư", với thông điệp là "Nhớ về em (Thinking of You); Người đã chiếm giữ mọi ý nghĩ của tôi". Hoa Pensée cón có tên gọi tiếng Anh là Pansy, tên Latin là Violatricolor. Chữ "tricolor" là "ba màu" và "Viola" là do hoa thuộc họ hoa tím Violet (Violaceae). Tuy số lượng ba màu ở mỗi hoa không bao giờ thay đổi và đã trở thành đặc trưng của hoa Pensée, nhưng ba màu này được "tổ hợp ngẫu nhiên" từ các màu tím, đen, đỏ, vàng,
xanh, trắng, cam để tạo nên nhiều giống hoa Pensée với những màu sắc lạ, rất hấp dẫn.


Người đời đã yêu mến tặng cho loài hoa này nhiều biệt danh khác nhau, mà quen thuộc nhất có lẽ là "
Heartsease", bởi vì người ta tin rằng những cánh hoa hình trái tim này có phép màu tình yêu kỳ diệu, có thể chữa lành những trái tim tan vỡ, an ủi những nỗi đau tình yêu, và nhất là, nếu bạn luôn giữ chúng bên mình thì bạn sẽ chắc chắn nhận được tình yêu của người mình yêu. Pansy là một thành phần trong "Bùa Yêu" của người Celt (ở Anh). Chính Shakespeare cũng đã đưa ý tưởng này vào trong vở kịch nổi tiếng "Giấc Mộng Đêm Hè" - với vài giọt nước cốt hoa Pansy nhỏ lên mắt khi say ngủ, Titania đã yêu "sinh vật đầu tiên mà nàng nhìn thấy".

Pensée còn có nghĩa là "
Sự thanh thản", là biểu tượng cho "vật kỷ niệm".

Theo một truyền thuyết của Đức, ngày xưa Pansy có mùi hương thơm ngào ngạt. Người ta kéo nhau đi từ hàng dặm xa đến chỉ để được ngửi mùi hương đó. Nhưng chính vì vậy mà lớp cỏ xung quanh bị giẫm nát, tàn phá. Pansy cầu xin Chúa giúp đỡ những ngọn cỏ mong manh đó. Thế là, từ đó, Chúa lấy đi hương thơm của Pansy, nhưng bù lại cho nó một vẻ đẹp tuyệt vời.

Păng-xê là một bông hoa Tình Yêu làm người ta liên tưởng đến thánh Valentine. Từ lâu, bông hoa đã được những người đang yêu trao gửi cho nhau như lời nhắn nhủ thương nhớ "Thinking of You". Tuy nhiên, theo dân gian, người ta cho rằng không nên hái đóa hoa Păng-xê khi trên nó có đọng giọt sương, bởi vì như thế có thể gây nên cái chết của người yêu và rất nhiều nước mắt sẽ phải tuôn rơi...

Hoa Păng-xê xinh đẹp
Đủ màu xanh, tím, vàng...
Như cầu vồng bảy sắc
Nhuộm hoàng hôn mênh mang.

( Sưu tầm )


18 tháng 6, 2009

CON SẺ TẬT NGUYỀN

Con sẻ tật nguyền


Mỗi xó xỉnh đời sống có một câu chuyện ẩn khuất, nếu bạn chịu dừng lại lắng nghe quan sát, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra, những điều giản đơn sao lại xúc động.
Một buổi chiều tôi ngồi trước máy tính gõ kỳ cạch, bỗng nghe ngoài cửa sổ tiếng chim sẻ lích rích khàn khàn, ngẩng đầu nhìn ra ngoài, tôi thấy trên cột điện có một con chim sẻ đang đậu,một con chim sẻ đơn độc. Nó đứng bất động, giọng kêu khản, phải chăng nó bị ốm?




Chắc nghe thấy tiếng động, nó hoảng hốt bay từ cột điện sang dây điện và quay lại đậu, nhìn tôi trừng trừng cảnh giác. Thì ra đó là một con chim sẻ dị dạng, nó bị tật. Mỏ trên của nó dài khoằm vẹo vọ, mỏ dưới bị rụt lại trông rất đáng thương hại, nhìn nó vừa đáng thương vừa ghê ghê.




Bốn mắt gặp nhau, con sẻ cảnh giác bay vụt lên đỉnh cột, ngoái đầu nhìn tôi một lát, rồi bay mất. Tôi kinh ngạc nhìn theo. Nó từ đâu ra, sao tôi chưa từng thấy nó? Nhưng lâu rồi tôi quên bẵng mất con sẻ đặc biệt mình đã gặp.




Một buổi sáng tôi đi làm sớm, trên mái vọng xuống tiếng chim kêu khàn khàn quen thuộc, nhìn lên phát hiện ra con chim sẻ dị dạng, ồ sao mày lại bay về đây, hay mày cư ngụ ở quanh nhà tao?




Tôi thầm nghĩ, chắc mày cô độc lắm phải không, sẻ luôn bay từng đàn, mày lại chỉ đi có một mình. Mày bị những đồng loại lành lặn bỏ rơi, đúng không? Mày tên là gì? Tao gọi mày là Mỏ Dài nhé, tên ấy vừa dễ thương vừa phù hợp với "đặc điểm" của mày, nghĩ xem có đúng không nào!




Nó nhảy lên cột sắt, nhìn tôi, như thể ngẫm nghĩ về cái tên Mỏ Dài... Như thể nó cũng thấy tôi quen quen. Như thể nó bắt đầu thấy tin cậy tôi, vì thế, nó chưa bao giờ lẩn trốn khi tôi giương ống kính máy ảnh lên chụp nó.




Dường như tất cả những lúc tôi bắt gặp, con sẻ đều đang trầm tư, nhìn xuống đường phố ngẫm nghĩ điều gì đó.




Chắc chắn nó ăn mồi rất khó khăn, vì mỏ trên thì vướng, mỏ dưới bị cụt. Nó ăn thế nào nhỉ? Tôi cứ tự hỏi mình. Một hôm tính tò mò nổi lên, tôi vứt một cục cơm ra cửa, dụ nó xuống ăn. Tất nhiên nó phát hiện ra bữa ăn từ trên trời rơi xuống này, nó nhìn cục cơm chằm chằm.




Lát sau, một chú sẻ "lành lặn không tật nguyền" từ phía sau sà xuống cướp ngay miếng cơm, Mỏ Dài sợ hãi dạt ra, chú sẻ lành lặn kia ăn ngay cục cơm. Thấy cảnh này, tôi không nén được cảm giác thương hại Mỏ Dài vừa thua thiệt vừa kém cỏi...




Suy nghĩ hồi lâu, tôi chợt nghĩ ra một kế, tôi quyết định lấy cả một bát cơm nén chặt lại để vào bậc cửa, vừa giúp Mỏ Dài ăn dễ hơn, vừa đề phòng cơm bị các con sẻ khác ăn tranh hết sạch. Do dự một lúc, Mỏ Dài lại đến, ngó nghiêng đống cơm, như thể không tin được vào mắt mình...




Quan sát kỹ lưỡng xong, Mỏ Dài quyết định ăn. Nhưng khác với những con chim sẻ bình thường mổ thức ăn, Mỏ Dài ăn bằng cách ngoạm, ngoạm từng hạt một khó nhọc nuốt thẳng vào cổ, vật vã và vui sướng ăn bữa đại tiệc.




Những ngày sau đó, tôi quan sát thấy dường như Mỏ Dài không có bạn, những con sẻ bình thường luôn giữ một khoảng cách nhất định với nó, như thể con sẻ dị tật không phải đồng loại nữa.




Trong khi những con sẻ huyên náo với nhau không dứt, lắm lời, thì Mỏ Dài thu lu nấp sau cột điện, biết thân biết phận, không con sẻ nào bận tâm tới Mỏ Dài.




Đông qua xuân tới, mùa chim kết đôi đã tới. Mỏ Dài đứng cách biệt ở xa xa, lặng lẽ xem những con sẻ khác kiếm rác lót tổ để thành đôi, đẻ trứng. "Sao tôi không được như họ? Tôi cũng là sẻ mà!" Có lẽ Mỏ Dài đã từng tự vấn như thế, nhưng trời xanh không trả cho nó một lời đáp.




Nhưng Mỏ Dài không cam chịu. Trong mùa hôn nhân của sẻ, một lần tình cờ có con sẻ bay tới gần Mỏ Dài, một con sẻ rất xinh đẹp, làm cho Mỏ Dài có can đảm sán tới, định bày tỏ với cô sẻ "Chúng ta là bạn nhé?" Mỏ Dài kêu lên bằng giọng khàn đặc của nó.




"Tuy tôi xấu xí, hình dáng quái dị, nhưng tôi có một trái tim thiện lương và chân thành..."




Con sẻ kia sợ hãi bay vụt khỏi những hàng sứ trắng trên cột điện, bay thẳng không ngoái đầu, để lại phía sau Mỏ Dài ngơ ngẩn bần thần, miệng há ra như định gọi với theo...




Bị xua đuổi, cự tuyệt, tôi thấy Mỏ Dài trốn vào một xó bé teo và trơ trọi để than khóc một mình.




Khi bình tâm lại, con sẻ tật nguyền lại rời khỏi nơi ẩn nấp đó, ra để đối mặt với hiện thực.




Mỏ Dài tự chăm sóc mình và nghĩ, rồi có thể biết đâu một ngày kia, các cô sẻ ấy sẽ thích ta!




Chắc các cô thích những con sẻ sạch sẽ, cho nên ta thường xuyên tắm rửa. Chú sẻ tìm cách tự giải thích cho chính mình, tìm cách thay đổi.




Mỏ Dài đã thử nhiều lần, và rồi khi cậu không nhụt chí, một ngày kia phép lạ đã xảy ra. Một buổi chiều, có một con sẻ lành lặn đậu lại bên cạnh Mỏ Dài, không bỏ chạy.




Không biết chúng nói với nhau những gì. Có thể là an ủi Mỏ Dài rằng, cậu đâu có xấu, tôi thấy cậu không hề xấu xa, thế thì cậu còn sợ hãi gì? Xích lại gần đây!





Đây là bức ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy Mỏ Dài, đó là hồi mùa xuân, mùa chim xây tổ, tuy tôi không được chứng kiến đôi chim làm tổ ở đâu, nhưng tôi tin rằng chúng sẽ hạnh phúc. Bởi cuối cùng, chúng đã rũ bỏ được cô độc, vượt qua được sự tự ti, mặc cảm của mình, chắc rằng sau đó cả đời chúng sẽ vui sướng.



Bài viết này dành cho những bạn tự ti, thua thiệt và bi quan. Bạn đã từng bị xa lánh, tẩy chay, bị mọi người bất công, chỉ vì bạn tàn tật, hoặc thua kém, hoặc bị hiểu lầm. Hãy cố lên, như con sẻ tật nguyền.

(Trang Hạ dịch, theo diễn đàn Soufun - TQ)

Search Box

Loading