Tìm kiếm trong Blog này

25 tháng 4, 2012


Bí ẩn những ngôi mộ cổ - Kỳ cuối:
Trong vòng xoáy lịch sử
TT - Là cây bút có giá trị sử liệu nổi tiếng nói thẳng, không sợ mất lòng, Vương Hồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn người xứng danh học trò cửa Khổng...”.
Nhà mồ Trương Vĩnh Ký
Giữ đạo nhà
Suốt buổi chiều ngồi trò chuyện với chúng tôi về ông cố Trương Vĩnh Ký của mình, hậu duệ Trương Minh Đạt cứ đau đáu nỗi lòng: “Người ta nói theo Tây tìm lợi lộc, nhưng cố tôi giàu sang gì đâu, đến xuôi tay vẫn còn giấy nợ bên mình. Nhiều tài liệu nói nhà mồ này do Trương Vĩnh Ký tự xây trước, nhưng tôi nghe cha mình kể lại có lẽ không phải vậy. Đến đời con trai cố tôi, nhà mồ này mới được xây dựng cho cha mẹ yên nghỉ không tủi nắng mưa và cho cả chính mình, nên trong nhà mồ còn có phần mộ người con đầu Trương Vĩnh Thế”.
Vũ Ngọc Phan: “Ông là một nhà bác học hơn là một nhà văn, ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao...”.
Jean Bouchot: “Ta thấy con người thuần Nam kỳ ấy đã sánh kịp các nhà thông thái bậc nhất của châu Âu trong đủ mọi ngành khoa học”.
T. Thomson: “Tôi không bao giờ quên được nỗi sững sờ khi người ta giới thiệu ông với tôi. Ông nói tiếng Anh rất giỏi, hơi pha chút ít giọng Pháp, còn tiếng Pháp của ông thì thật thanh lịch, tao nhã. Tiếng Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha ... đối với ông đã trở thành quen thuộc”.
Chuyện nhà mồ ở đại lộ Galliéni nay là Trần Hưng Đạo, TP.HCM được xây dựng năm nào chưa thể rõ ràng vì nhiều tài liệu gia tộc họ Trương không còn ở đây, nhưng có một điều xác tín rằng cả đời nhà bác học ngôn ngữ này đã sống đạo thanh khiết, thậm chí nghèo khổ cuối đời. Trong tất cả hình ảnh còn lại về ông, cả những lúc làm việc, dạy học, viết sách hay đeo huân chương trên ngực ... chưa bao giờ thấy ông rời bỏ áo dài khăn đóng truyền thống của tổ tiên.
Một người biết 26 thứ tiếng, từng dạy học vua Đồng Khánh, thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, có tài năng và đức độ khiến các đại văn hào, nhà khoa học, chính khách nổi tiếng như V.Hugo, Littré, Renan, Paul Bert ... phải quý mến, kết giao mà vẫn trọng giữ lấy lề thầy đồ thanh bạch của dân tộc. Ông mang tên đạo Pétrus Ký nhưng dứt khoát không nhập tịch Tây. Trả lời thắc mắc sao không “vào dân Tây”, ông đã khí khái bày tỏ: “Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu ... Không lý trời sanh ra tôi làm con quạ, bây giờ nói tôi một hai là con cò làm sao đặng? Nên là điều trái tự nhiên hết sức. Đặng một bên mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”. Đó chính là lối sống mà Trương Vĩnh Ký đã tự bạch bằng câu cách ngôn Latin “Sic vos non vobis” (ở với họ mà không theo họ). Sự hiểu biết, tài năng và những gì làm được cho hậu thế, ông đã đi trước thời đại mình rất xa, đến mức có thể bị kẻ đương thời suy diễn này nọ, nhưng chưa bao giờ ông để mất gốc rễ mình, mất lương tâm một con dân nước Việt.
Nhà văn Hoàng Lại Giang sưu tầm tư liệu, nghiên cứu viết về Trương Vĩnh Ký, kể rằng ông đã từng thâm thúy trách dạy Lê Phát Đạt, một học trò rơi vào đường bất đạo, làm quan tranh thủ thời thế “đục nước béo cò” cho thân mà không đếm xỉa nỗi khổ của dân. Khi Đạt tỏ ý chê thầy không biết cách làm giàu, Trương Vĩnh Ký trả lời rằng: “Anh khoe với ta tài làm giàu ư? Với ta đó là sự sỉ nhục mà học trò ta đã gieo cho ta. Ta muốn khuyên anh chớ vui mừng quá sớm: đang lúc vui nên gẫm mà buồn lần đi”. Còn bạn đốc phủ đương thời hỏi Trương Vĩnh Ký sao chẳng lo làm giàu, ông đã nhẹ nhàng viết thư trả lời: “Các ông hỏi tôi ý làm sao không lo về phần của cải? Sao không mua đất sắm ruộng kiếm tiền bạc mà tiêu dùng? ... Thật thì ai cũng phải lo về sau, nhưng mà xét cho cùng mà coi thì cũng chẳng nên lo cho quá làm chi ... Chi bằng ý thực tùy duyên tự nhiên khoái lạc: có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít thì được vui vẻ, yên lòng, yên trí...”.
Hơn 100 năm sau, hai người cháu cố Trương Minh Tấn và Trương Minh Đạt vẫn kể chuyện cha ông nhắc nhớ đến cuối đời Trương Vĩnh Ký còn thiếu nợ nhưng không phải nợ tậu đất, mua nhà mà nợ xuất bản sách... Ngay tài sản lớn nhất ông còn để lại là mảnh đất hơn 2.000mở đường Trần Hưng Đạo đang làm nhà mồ và chỗ ở cho con cháu cũng được cho là của bên vợ ông, quê hương bà Vương Thị Thọ, xưa gọi là Chợ Quán.
Phiến đá lát trên mộ Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Q.V.
Hậu thế minh định
Ông Đạt kể lời cha ông truyền đời rằng Trương Vĩnh Ký từng có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, giao thân với nhiều nhân vật có thể quyết định vận mệnh dân tộc, nhưng chưa bao giờ ông nhận lãnh chức quan nào. Ngoài những lúc thời cuộc đưa đẩy phải làm thông ngôn chênh vênh giữa hai phía, tâm huyết Trương Vĩnh Ký là dạy học, viết sách, làm báo đến nỗi phải nợ nần. Trong thư gửi bạn, Trương Vĩnh Ký tự bạch rằng: “Tôi có được thư ông nói sao tôi không ra làm chức chi ... như phủ, huyện, đốc phủ với người ta lấy danh chơi? ... Song tôi trộm xét theo ý riêng tôi, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được ... Chi bằng mình sẵn làm ông thầy dạy học, lại dạy là dạy Tây các quan...”.
Viếng mộ Phan Thanh Giản, rồi thắp nén nhang lên bàn thờ Trương Vĩnh Ký, hai thân phận bị cuốn cùng một dòng xoáy lịch sử và phải mang nặng nỗi niềm đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nguôi, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại lời Trương Bá Cần viết: “... Cuốn sổ bình sinh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. Đã 100 năm trôi qua, còn nói công với tội làm gì? Đối với Trương Vĩnh Ký cuộc đời đã khép lại rồi, không thể khai báo gì thêm”.
Tuy nhiên cũng chính Trương Bá Cần, người có công trình nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ Việt - Pháp trong 100 năm ân oán, vẫn không quên lời công minh với ông: “Nhưng vào lúc đất nước đã thống nhất, nhiệm vụ còn lại là xây dựng con người và xây dựng đất nước, nếu có đặt vấn đề dựng lại tượng đài hay phục hồi tên trường cho Trương Vĩnh Ký thì có lẽ không phải là thuần túy muốn sự công bằng cho người đã quá cố. Bởi vì về mặt trí tuệ và lao động khoa học cần cù, Trương Vĩnh Ký là một khuôn mặt làm rạng rỡ giống nòi được thế giới kính trọng”.
Thôi thì, công tội cuộc đời ông hãy phó thác cho hồn thiêng sông núi. Trăm năm thiên hạ vẫn chưa hết ngược, xuôi về Trương Vĩnh Ký, thì ba trăm năm sau hay ngàn năm nữa hậu thế chắc sẽ minh định tấm lòng ông!
QUỐC VIỆT
------------------------------------
* Tin bài liên quan:

Bí ẩn những ngôi mộ cổ - Kỳ 8:
Nhà mồ giữa thành phố
TT - Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ.
Trên cửa nhà mồ, dòng chữ Latin Miseremini mei saltem vos amici mei (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19: Trương Vĩnh Ký.
Mộ Trương Vĩnh Ký ở giữa và vợ con hai bên là ba phiến đá lát phẳng với nền nhà mồ - Ảnh: Q.V.
Lặng lẽ bên đường
Lách cách mở ổ khóa đã hoen gỉ ở cửa nhà mồ, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, ngậm ngùi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến viếng!”. Chúng tôi nhẹ bước qua những chiếc lá vàng khô bị gió cuốn bay vào nhà mồ, mà ngẩn ngơ nhìn thực tế khác nhiều với điều mình hình dung. Nền bằng phẳng, không một gò đất, công trình nào nhô lên như những nấm mộ thường hay nhìn thấy. Dưới ánh chiều đang sậm dần, phải nhìn kỹ mới thấy ba phiến đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài gần 2m được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Ông Đạt bùi ngùi: “Các ông nhà tôi yên nghỉ dưới đấy!”.
Dưới phiến đá trắng đã ngả màu vàng nhạt, nơi Trương Vĩnh Ký yên nghỉ, ở giữa người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế. Sinh thời Trương Vĩnh Ký đã nổi danh. Và hơn một thế kỷ trôi qua bao ngòi bút ngược xuôi vẫn còn rỏ mực về ông, nhưng bia mộ lại chỉ vài dòng ngắn ngủi. Nó được khắc ngay trên phiến đá làm nắp mộ với vài dòng danh phận người yên nghỉ: J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký. Chữ Pháp đầu dòng không phải tên Tây của ông mà là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre. Bia mộ không ghi năm ông sinh (6-12-1837), nhưng khắc rõ ông mất ngày 1-9-1898. Trang trí mộ bia cũng giản dị với hình một cành lá, không hoa bao quanh.
Mất sau chồng đến chín năm, nhưng bia mộ bà Vương Thị Thọ lại bị thời gian làm phai mòn nhiều hơn. Bà yên nghỉ dưới phiến đá màu nâu đỏ đã ngả màu sậm có nhiều vết nứt, vỡ cùng năm tháng. Lau lớp bụi thời gian, ông Đạt ngậm ngùi kể mình 58 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được cha là Trương Vĩnh Thạnh dặn dò phải gìn giữ nhà mồ các cố để hậu sinh truyền đời tưởng nhớ, nhưng không thể ngăn được sự tàn phá của thời gian và bao biến động thời cuộc.
Giữ đúng đạo “xuất giá tòng phu” xưa, dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Trong gia phả dòng họ, Trương Vĩnh Thế là anh cả ông nội Trương Vĩnh Tống của ông Trương Minh Đạt, hiện đang sống ở đây để gìn giữ nhà mồ. Sinh thời, ông Thế làm quan đốc phủ sứ mà dòng chữ khắc trên bia vẫn còn rõ nét.
Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Thời ấy, phải vật vã kiếm miếng ăn, anh em ông Đạt đã bỏ nhiều ngày lang thang các khu “chợ trời” vỉa hè để tìm chuộc lại nhưng cuối cùng đành gạt nước mắt về không. Họ nghĩ có lẽ kẻ gian phát hiện tượng ximăng, không phải kim loại quý, đã đập mất rồi!
Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà ngói cổ được xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt. Mang nét kiến trúc Pháp với nhiều cửa, cột, vòm cong, nhà mồ Trương Vĩnh Ký rộng khoảng 50m2, trang nhã với các chi tiết nhẹ nhàng nhưng tinh tế.
Chân dung Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu
Thiên tài và định mệnh
Theo chân ông Đạt, tôi trở ra đường Trần Hưng Đạo. Cảm giác bùi ngùi khi chẳng thể tìm được tấm bảng nào chỉ dẫn đây là nơi Trương Vĩnh Ký - người Việt đã được vinh danh một trong 18 nhà thông thái thế giới, sử dụng thành thạo 26 ngôn ngữ - yên nghỉ. Bên góc cổng, người anh Trương Minh Tấn của ông Đạt đang cặm cụi với quán cà phê kiếm sống qua ngày. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68. Nhắc chuyện xưa, ông Tấn tràn ngập ký ức: “Hồi tôi còn nhỏ, đường này thưa thớt lắm, bên đây nhìn thấy con kênh đào ven đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ. Thuở đó, kênh vẫn còn trong xanh và là nơi ông cố Trương Vĩnh Ký dựng nhà mát bên sông để đọc sách, dạy học trò”.
Khi anh em ông Tấn, ông Đạt chào đời, Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ. Ký ức hai anh em được ông nội Trương Vĩnh Tống (con trai thứ Trương Vĩnh Ký) truyền kể rằng nhà mồ nằm bên đại lộ Gallieni nay là đường Trần Hưng Đạo. Vùng đất ngày xưa còn gọi Chợ Quán này là quê vợ Trương Vĩnh Ký. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Cái Mơn, Bến Tre. Là con trai lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu, Trương Vĩnh Ký sớm mồ côi khi cha đi công vụ ở Cao Miên.
Trong gia đình có đạo, tuổi thơ Trương Vĩnh Ký sớm thăng trầm khi triều Nguyễn ra lệnh “sát tả” ngăn chặn Thiên Chúa giáo. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký học chữ Nho với thầy đồ, và ông chỉ lộ rõ thiên tài khi được các linh mục Pháp dạy học. Đặc biệt là ở chủng viện Penang (Malaysia), ông đã làm cả thầy lẫn bạn học khâm phục sự đam mê đọc sách cùng trí nhớ siêu việt và khả năng học nhanh chóng cùng lúc nhiều ngoại ngữ khó như Latin, Hi Lạp, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,Thái Lan. Nhờ vậy mà nghiệp bút của Trương Vĩnh Ký đã đạt kỷ lục khoảng 120 cuốn sách gồm đủ các lĩnh vực, đặc biệt là các sách đạo làm người, từ điển Pháp - Việt...
Và rồi định mệnh như an bài với Trương Vĩnh Ký. Chính thiên tài ngoại ngữ, tri thức sâu rộng nhờ đọc sách, đi xa đã cuốn ông vào vòng xoáy lịch sử chênh vênh, phức tạp trong thời cuộc nước nhà bị Pháp tiến chiếm. Trở thành thông ngôn cho Pháp, rồi cho cả sứ bộ triều đình, phải kề cận kẻ đô hộ lẫn gần gũi chính nhà vua nước mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời nhìn nhận ngược xuôi công tội.
Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, chính ông phải cảm thán viết bài thơ đầy nỗi niềm: Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai/Xô đẩy người vô giữa cuộc đời/Học thức gửi tên con sách nát/Công danh rốt cuộc cái quan tài/Dạo hòn lũ kiến men chân bước/Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài/Cuốn sổ bình sanh công với tội/Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
QUỐC VIỆT
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
__________________
Chứng kiến sự thật các chiến cuộc, hòa ước, kể cả có mặt trong phái bộ đi Pháp trước tình thế nước nhà lâm nguy, Trương Vĩnh Ký đã nghĩ gì, làm gì để cuối đời phải thốt lên: Tìm nơi thẩm phán để thừa khai?
Kỳ cuối: Trong vòng xoáy lịch sử

Bí ẩn những ngôi mộ cổ - Kỳ 7:
Bi kịch muôn đời
TT - Như chính lời thơ tự bạch, Phan Thanh Giản đã phải ôm vào lòng mình nhiều vết cắt thương đau khi nhận lãnh trọng trách với Tổ quốc. 145 năm đã trôi qua kể từ ngày ông cạn chén thuốc độc.
Lần lại nỗi bi kịch muôn đời mà bùi ngùi cảm như vết thương lòng ông vẫn còn rỏ máu đến tận hôm nay...
Mộ cụ Phan Thanh Giản ở Ba Tri - Ảnh: Q.V.
Nỗi đau thời cuộc
Trong ngôi thờ nhỏ bé kế bên mộ phần Phan Thanh Giản, chúng tôi lặng nhìn tượng ông mờ sau làn hương khói. Mặt tượng khắc khổ, ưu tư như chất chứa bao nỗi niềm không thể tỏ cùng ai. Chính sử ghi sau khi phải hạ bút ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 chịu mất đất, mất tiền cho Pháp để mang tiếng đời “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi thường dân), Phan Thanh Giản bị triều đình quở trách rồi điều về làm tổng đốc Vĩnh Long. Chính tại đây, ông đã không làm điều mà Pháp buộc triều đình phải thực hiện là giải giới quân dân kháng chiến.
Rồi thời thế lại đẩy Phan Thanh Giản vào trọng trách nặng nề. Năm 1863, khi cử phái bộ đi Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông, vua Tự Đức không biết chọn ai lại cậy vào ông. Trên đường đi ông đã viết bài thơ bày tỏ lòng mình: Lo nỗi nước kia cơn phiến biến. Thương bề dân nọ cuộc giao chinh. Ngàn trùng biển cả sang Tây địa. Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh....
Chuyến đi sứ tưởng phần nào đã thành công, nhưng cuối cùng lại thất bại trước phe Pháp chủ chiến. Đó cũng là lúc Phan Thanh Giản đã xế bóng. Ông xin vua cho về trí sĩ nhưng không được. Năm 1865, ông lại vâng mệnh vua vào Nam kỳ làm kinh lược sứ Vĩnh Long để nhận cái chết ngậm ngùi.
Và nỗi uất hận cuối cùng của Phan Thanh Giản chính là sáng 20-6-1867 khi đô đốc De la Grandière dẫn hạm đội tiến chiếm Vĩnh Long. Diễn biến nhanh chóng sau khi De la Grandière trao cho Phan Thanh Giản một bức thư đòi trao thành, rồi ông cùng quan án sát Võ Doãn Thanh xuống tàu Pháp. Lập tức quân viễn chinh đổ bộ vào thành mà không gặp kháng cự. Nghi án này đổ đầy tràn nỗi bi kịch muôn đời của Phan Thanh Giản khi cho rằng chính ông trao thành Vĩnh Long.
Sự thật thế nào?
Đến nay đã có nhiều tài liệu giúp cho người sau sáng tỏ hơn:
Sáng 20-6-1867, thành Vĩnh Long ngoài Phan Thanh Giản, Võ Doãn Thanh, còn có tổng đốc Trương Văn Uyển, bố chánh Nguyễn Văn Nhã, lãnh binh Huỳnh Chiêu... Khi triều đình nghị xử tội Phan Thanh Giản, các nhân chứng đã tường trình:
Tổng đốc Trương Văn Uyển khai rằng: Ngày 19-5, khoảng giờ Thìn, thấy viên quan Tây đem số lớn đến bến tỉnh thành thả neo, kỳ thủy một viên quan ba cùng một người tên Cố Trường đưa một phong thơ. Trong thơ nói quan Tây nhận thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc. Nay y muốn quý quốc nhường lại ba tỉnh để y kiểm soát thì chúng không dám quấy rối như xưa... Thần đẳng xem xong bức thơ, cùng nhau thương nghị, rồi kinh lược sứ (Phan Thanh Giản) đem theo niết ty Võ Doãn Thanh theo xuống dưới tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại, trách y vin cớ nhỏ mọn mà đã làm tổn thương đại nghĩa... Y trả lời rằng: bổn ý thế nào đã nói trong thơ. Nói đoạn y cho chiến thuyền tiến sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ.
Lãnh binh Huỳnh Chiêu khai rằng: Hôm ấy khoảng giờ Thìn, thấy bọn Tây kéo chiến thuyền đến bỏ neo ở tỉnh..., mời tỉnh quan xuống tàu nói chuyện. Quan kinh lược và án sát theo bọn chúng, còn y trèo lên thành coi sự thể, chẳng ngờ chỉ trong chốc lát đã thấy bọn quan binh kia xô đẩy các quan tỉnh thần vào thành rồi chúng chiếm đóng các sở...
Ngoài ra, lời khai của các quan nhân chứng khác cũng không buộc tội Phan Thanh Giản đã nộp thành Vĩnh Long, trừ quan Hà Tiên trách ông không theo ý họ từ trước về việc phòng bị.
Đặc biệt, linh mục Trương Bá Cần trong luận án tiến sĩ “Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862-1867) không chỉ dùng sử liệu trong nước mà tiếp cận nhiều tư liệu, tài liệu của bộ ngoại giao, bộ hải quân và thuộc địa Pháp, đã viết rằng: “Từ những chứng cớ này, rất có thể Phan Thanh Giản và đồng sự đến để cố gắng phân bua với Grandière. Nhưng trong hoàn cảnh đó họ còn nói năng gì được nữa, người Pháp đã quyết định chiếm ba tỉnh... thay vì thả các nhà thương thuyết, Grandière muốn biến họ thành tù nhân... Trương Văn Uyển và thuộc hạ sẽ làm gì khi thấy thượng cấp trở về xung quanh toàn lính Pháp? Một khi quân địch đã tiến vào thành với vũ khí hiện đại thì không kháng cự được nữa...”.
Sử gia thời nay như giáo sư Phan Huy Lê cũng chỉ vai trò riêng của Phan Thanh Giản trong trách nhiệm lớn của triều đình. Cho rằng việc nghiên cứu Phan Thanh Giản phải tiếp tục, nhưng ông không đồng ý gán tội vị quan “bán nước” vì nó trái với tấm lòng suốt đời tận tụy vì nước, vì dân của ông. Mượn lời Đại Nam chính biên liệt truyện, sử gia nói lòng mình: “Thanh Giản là người ngay thực, làm quan cần mẫn, giữ lòng liêm khiết, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thờ ba triều vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là vào ở chỗ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì thấy lòng trung ái chứa chan ngoài lời nói”.
Tấm bia đơn sơ trước mộ cụ Phan Thanh Giản - Ảnh: Q.V.
Chọn cái chết để tạ tội
Sau khi Pháp chiếm Vĩnh Long, các quan về Bình Thuận và Huế, một mình Phan Thanh Giản ra sống ở mái tranh ngoại thành. Ông viết thư bày tỏ lòng mình và tạ tội để mất thành cho vua Tự Đức nhưng không được trả lời.
Ngày 19-7-1867, ông tuyệt thực trong lúc vẫn ngồi xem sách. Con cháu khóc, xin ông ăn. Ông chỉ nói mình thác rồi, ai nấy cứ lo việc học hành, không nên dục lợi cầu vinh làm những điều nhẫn tâm hại lý... Ông cũng dặn thêm con cháu cày ruộng mà ăn, không được làm quan chức gì trong vùng giặc chiếm.
15 ngày tuyệt thực không chết, Phan Thanh Giản cạn chén thuốc độc. Quay về hướng bắc, ông lạy vua, rồi rưng rưng nước mắt nâng chén giấm thanh pha thuốc phiện. Nửa đêm 4-8-1867, ông tắt thở ở tuổi 71 dưới mái nhà tranh.
Vì thành Vĩnh Long bị chiếm nên phía Pháp có ba người chứng kiến phút cuối đời ông là thiếu tá Ansart, linh mục Marc và y sĩ Coniat, nhưng ông dứt khoát không để họ chữa. Chính Ansart viết thư kể lại rằng: “Chúng tôi bị xúc động nhiều vì cái chết của vị lão thành phi thường ấy. Và tôi tin sầu cảm này sẽ được chia sẻ bởi tất cả ai được biết ông. Ông đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng... trối lại cho con cháu những lời khôn ngoan và chánh trực...”.
Trong lúc triều đình kết án trảm giam hậu ông, cho đục bia tiến sĩ, thì chính cụ đồ kiên cường chống Pháp Nguyễn Đình Chiểu đã cảm tác viếng: ... Ba triều công cán vài hàng sớ. Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu... Minh sinh chín chữ lòng son tạc. Trời đất từ đây bạt gió thu.
Đến triều Đồng Khánh đã giải tội cho ông cùng với Nguyễn Tri Phương. Về sau, ông còn được phong thần để nhân dân thờ cúng.
Mặc dù nặng lòng tội để mất đất Tổ quốc, nhưng các con Phan Liêm, Phan Tôn của Phan Thanh Giản đã cùng Nguyễn Tri Phương tiếp tục chống Pháp có lẽ cũng làm ông ngậm cười nơi chín suối...
QUỐC VIỆT
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
____________________
Giữa TP.HCM thế kỷ 21 này vẫn còn nhà mồ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19. Ai là người đang nằm dưới nhà mồ đó?
Kỳ tới: Nỗi niềm dưới mái nhà mồ

Bí ẩn những xác ướp Việt - Kỳ 6: Những kẻ trộm mộ
TT - Hàng chục năm trước, giới săn đồ cổ phía Bắc đã rỉ tai lời đồn cái chết bí ẩn của một tay trộm mộ đất Nam Hà. Họ kể gã này đào trộm phải mộ Hán cổ và lấy được nhiều đồ tùy táng bằng vàng bạc.

Những món đồ bị trộm ở Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh tư liệu
Trên đường lên Hà Nội để bán đồ đặc biệt này thì gã bất ngờ bị tai nạn chết. Người con tiếc của thay cha đem đi bán lại chết trẻ. Em trai theo bước anh cũng không kịp sống để phá tiếp ngôi mộ nào nữa. Gia đình hoảng sợ tìm thầy giải. Thầy bảo phải dẫn đến ngôi mộ đã trộm rồi phán: “Mộ này đã bị chính người chết tự trấn yểm trước khi qua đời. Gia chủ lỡ phạm lấy gì thì trả lại hết. Không tin cứ đào gần ngôi mộ này sẽ thấy bộ xương một đứa trẻ đã bị trấn yểm âm binh bảo vệ mộ Hán...”.
Huyền thoại vàng
Bao tiết thanh minh đã trôi qua, không thể rõ chuyện đồn đại kinh khủng này thực hư thế nào, nhưng các nhà khảo cổ đều rất ngán ngẩm trước thực trạng phá phách mộ cổ. Thậm chí một thời gian dài trước nó còn rộ lên thành phong trào. Những kẻ trộm mộ ở cùng địa phương tập trung đi thành nhóm và trang bị cả máy rà bom mìn để phát hiện đồ kim loại quý cùng người xưa về thế giới bên kia. Nhiều khi họ đào phải xác ướp, không biết có lấy được gì đáng giá nhưng thi hài người đã mất thì vất vưởng mưa nắng trên đồng.
“Có một lần tôi rời bãi khai quật mộ cổ, ra quán đầu làng uống nước và suýt chết sặc vì buồn cười với lời đồn đại của bà chủ quán về xác ướp. Mặc dù chẳng đủ gan hé tí mắt nhìn vào quan tài, nhưng bà ta vẫn huyên thuyên xác ướp là một nàng công chúa còn xinh đẹp như đang sống. Hoàng gia đã tiếc thương chôn nàng cùng vô số châu báu, vàng bạc trong quan tài mà đến giờ nhiều thanh niên lực lưỡng cũng không khiêng nổi...” - GS Đỗ Văn Ninh kể lại kỷ niệm đời khảo cổ. Chuyện tán như thật. Nhưng chính nó đã trở thành ma lực kích thích những tên trộm mộ xâm hại người chết.
Trước thập niên 1970, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, từng lan truyền chuyện đồn đại như huyền thoại rằng người Hoa đã trấn yểm vàng chôn trong các ngôi mộ cổ ở linh địa này. Đêm đêm người ta hay thấy những con vịt vàng, lợn vàng ngoi lên mặt đất như muốn tìm đường về cố quốc. Huyền thoại khó tin về mặt khảo cổ này lại hấp dẫn kẻ trộm mộ. Suốt một thời gian dài nhiều ngôi mộ cổ ở đây đã bị lùng sục, đào bới. Đến khi các nhà khảo cổ về khai quật chính xác ba ngôi mộ cổ thời nhà Đường và công khai phát lộ những táng vật không hề có vàng bạc gì, cuộc săn lùng mộ cổ này mới tạm giảm.
Theo GS Ninh, mục đích ban đầu của kẻ trộm mộ thường là những thứ thực dụng chôn theo người đã mất như vàng nén, vòng vàng đeo tay, đeo cổ. Đặc biệt, nhiều người còn tin xác ướp thường được bảo quản bằng cách cho ngậm các viên ngọc quý để chống thối rữa. Tuy nhiên, hầu hết xác ướp mà các nhà khảo cổ khai quật được đều nhẹ nhàng về với tiên tổ mà hành trang chẳng có châu báu gì. Có lẽ một phần do ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng đề cao lối sống thanh đạm của nhà Nho, Phật giáo thời ấy nên người ra đi không mang nặng gì, dù đó là đức vua Lê Dụ Tông hay công hầu, quận chúa như bà Phạm Thị Nguyên Chân, Trịnh Dung...
Săn lùng đồ cổ
Sau này cuộc sống phát triển, đồ cổ cuốn hút được nhiều người vào cuộc chơi. Những kẻ trộm mộ chuyển sang săn lùng đồ cổ tùy táng. GS Ninh kể ông và đồng nghiệp nhiều lần đã phải làm “người đến sau” bọn trộm mộ để cố tìm xem còn nhặt nhạnh, nghiên cứu được gì. Năm 1969, họ đã háo hức khai quật một ngôi mộ cổ khá lớn ở Mạch Tràng, di chỉ thành Cổ Loa, Hà Nội. Ngôi mộ nằm đối diện gò Cột Cờ, vòng thành ngoài Cổ Loa.
Đào bới đến độ sâu 4m và rộng hàng chục mét, họ buồn bã phát hiện mộ cổ đã bị trộm hớt tay trên từ hồi nào. Táng vật bị lấy trộm rất nhiều. Vương vãi dưới lòng đất chỉ còn ít mảnh vỡ vò, hũ, rìu đá... An ủi lớn nhất của nhà khảo cổ là còn một số viên gạch có chữ Hán “Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị” (niên hiệu Vĩnh Nguyên năm thứ 11, đó là vua Hán Hòa Đế năm 99 sau Công nguyên). Bí ẩn còn sót lại dưới lòng đất đã giúp họ tạm xác định mộ Hán này rất cổ, niên đại khoảng năm 99 sau Công nguyên hoặc chỉ sau một chút.
Theo GS Ninh, thị trường đồ cổ có nhiều món là đồ tùy táng theo người chết như trống đồng, tiền cổ, binh khí, lưỡi cày cuốc, tượng hình, đồ trang sức, nậm vò... Một số đã trở thành “hàng độc” đang được giới buôn bán đồ cổ săn lùng với giá hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD.
Từng có tin đồn chỉ một thanh kiếm cổ chôn theo thi hài viên thái thú Nam Hán được rao bán 100.000 USD. Trong vòng quay ma lực của đồng tiền, đồ tùy táng được sang tay. Và mấy người sở hữu sau biết chúng từng an nghỉ hàng trăm, hàng ngàn năm dưới lòng đất với bao nỗi niềm của người chết.
Sự thính nhạy của những kẻ trộm mộ đôi khi làm nhà khảo cổ phải ngạc nhiên. Cuối năm 2009, họ vừa khai quật hai mộ cổ thuộc thời đại đồ đồng tại gò Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tin các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều cổ vật quý như rìu đá, tên đồng, đồ gốm cùng với hai bộ hài cốt của thời kỳ văn hóa Đồng Đậu và Đông Sơn vừa lan truyền thì xuất hiện ngay những kẻ trộm mộ lén lút. Họ đi thành nhóm, có cả máy rà kim loại quần đảo từng centimet vuông trên các hố đào cũ lẫn mới. Hai người đã bị tạm giữ với tang vật trộm mộ được giấu trong bụi cây là một số đồ đá, rìu đồng, mũi tên đồng niên đại từ hàng ngàn năm trước. Chúng đều có giá trị trên thị trường đồ cổ.
Nhiều năm bôn ba Bắc Nam nghiên cứu xác ướp, nhà khảo cổ già Đỗ Đình Truật gặp rất nhiều vụ trộm mộ và cũng thú vị phát hiện đôi mắt nhìn xa của tiền nhân. Nhiều người trước khi qua đời đã dặn dò con cháu nghệ thuật ướp xác mình cũng như cách chống sự xâm hại của kẻ trộm mộ hay người oán thù.
Ngoài lý do tín ngưỡng Phật giáo hay lối sống thanh bần của nho sĩ, sự đề phòng lòng tham hậu thế cũng là lý do để nhẹ hành trang về thế giới bên kia. Cho nên kẻ trộm mộ hiếm khi đào được những thứ thực dụng thèm khát như vàng bạc. Đặc biệt, tiền nhân chủ ý xây dựng quách bằng hợp chất vững chắc cũng rất hiệu quả chống lại kẻ đào mộ. Nếu quách đủ độ cứng dày, một vài người lén lút đào phá ban đêm rất khó có thể xuyên qua nổi mà không bị dân cư gần đó phát hiện vì tiếng ồn.
“Không chỉ kẻ giàu sang, mà quyền lực như vương tướng cũng phải lo nghĩ về nơi yên nghỉ cuối cùng của mình. Âu đó cũng là lẽ trời đất, lịch sử đã chứng minh triều đại nào dù có hưng thịnh đến đâu cũng phải đến hồi suy vong, và lúc đó tránh sao cho khỏi sự báo oán của người thù hay lòng tham hậu thế” - nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật trầm ngâm suy tư...
QUỐC VIỆT
________________________
Đằng sau bí ẩn xác ướp là bí ẩn của chính những nhà khảo cổ chuyên đi đào xác ướp. Phải chăng họ đã phá giải được những lời nguyền trấn yểm từ hàng trăm năm trước?
Kỳ cuối: Những người phá giải lời nguyền

Search Box

Loading