Tìm kiếm trong Blog này

13 tháng 11, 2011

WHAT HAVE YOU KNOW ABOUT SAIGON?


(http://my.opera.com/Fanxico/blog/what-have-you-known-about-saigon-bc?cid=74620502#comment74620502)

Thursday, October 11, 2007 5:32:40 PM

Coi nhé, bạn đã là người Saigon? Oh, dĩ nhiên!! nhưng hãy nói cho mọi người biết Saigon như thế nào?? haha, rất ít người có thể trả lời Saigon như thế nào chứ đừng nói tới chuyện Saigon ĐẸP như thế nào!! Khi đi xa mới thấy thấm thía nổi nhớ Saigon, một nổi nhớ nhẹ nhàng nhưng da diết như nhớ đến người yêu vậy... Nếu có thời gian, các bạn hãy đọc một chút để thấy Saigon mình đẹp như thế nào nhé!! Lượm lặt những bài viết tản mạn về một Saigon dấu yêu và cực kỳ dễ thương , mời các bạn cùng chia sẻ....( đọc hết lọat bài này thì bạn gần trở thành...dân Sài gòn rồi đó ! )
Bài viết đã chia sẵn cho các bạn thành từng mục về SG, các bạn có thể chọn lựa các đề mục các bạn yêu thích.


Ăn mùa mưa Sài Gòn

Sài Gòn mưa kiểu Sài Gòn. Ào cái rồi thôi. Không như mưa miền Trung lê thê cả ngày. Nhưng hễ mưa là tôi lại nhớ bánh xèo. Những ngày mưa đầu mùa, không ra đồng được là ba tôi đòi má tôi đúc bánh xèo. Thế là cha con hì hục ngâm gạo rồi xay bột. Má xuống chợ mua mớ tôm đất và vài lạng thịt mỡ. Thịt quý như châu, nên mỗi cái bánh chỉ có vài ba miếng mỏng tanh tượng trưng, chủ yếu bánh "xèo" bằng dầu dừa. Giờ đây, mưa là nhớ Đinh Công Tráng, nhớ A Phủ. Nhớ bánh xèo kiểu Sài Gòn: cái bánh to - bao nhiêu là mỡ ngấm vào đấy vì mỡ rẻ hơn dầu, lá cải cũng to - bao nhiêu là urea ngấm vào đấy. Nên bánh xèo Sài Gòn đầy cholesterol, đầy hoá chất, ăn một cái đã ớn xương sống. Chẳng "hữu cơ" như bánh xèo nghèo ở miền Trung.

Mưa làm cho những người gốc miền Tây thèm bông điên điển. Năm rồi, lũ không về, nhịn thèm điên điển cho tới năm nay. Cái thèm dai dẳng và mong mỏi. Tô canh bông điên điển nấu với mớ cá tạp nham xúc ngoài đồng khi ăn ngồi chồm hổm kiểu nước lũ sao mà ngon. Lũ không về thì Sài Gòn cũng tìm không ra bông điên điển. Thôi thì ăn một dĩa rau luộc thập cẩm, mỗi người một cái trứng vịt luộc thật chín dầm mắm Phan Thiết để chấm. Chỉ có bọn học sinh dị đoan sắp thi mới cử trứng, trong khi tròng đỏ trứng là loại nhiên liệu cho trí nhớ cực tốt. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chẳng có ai hảo trứng mà bị mỡ máu cao như lâu nay người ta vẫn nghe nói. Đã vậy, trứng là loại đạm đơn bào - nguyên cả cái trứng chỉ là một tế bào, nguồn thực phẩm quý cho mấy người bị gout, bị khớp.
Mưa cũng gợi thèm cá đồng. Cá rô, cá lóc cửng, cá trê kho gừng thì khỏi phải nói. Buổi sáng lôi trã cá kho gừng ra mà dằn với cơm nguội ngon làm sao. Cá kho tộ ở các quán Sài Gòn bây giờ nhiều dầu mỡ, fastfood quá nên miếng cá không kịp thấm gia vị, ăn vào cá theo lối cá, gia vị đường gia vị. Cá kho tộ Sài Gòn chỉ còn cái tộ bản sắc mà quên mất bản chất slowfood mưa dầm thấm lâu của món kho.

Lũ về dẫn cá linh về ĐBSCL. Người Sài Gòn cũng có dịp thưởng thức món cá linh nghèo khổ kho nước dừa. Tệ lắm thì cũng món mắm linh. Vài ba miếng mắm ăn hết rổ rau sống bự làm ruột già mừng rơn nhờ vô số chất xơ, mà muối natri cũng không đủ lượng để quấy rối những người huyết áp, vì trong rau, muối kali và nước đã "trị" nó rồi. Ăn mắm ngày mưa là cả một cái thú. Có phải vào mấy quán Bắc, người ta thường gọi món cà pháo muối chua chấm mắm tôm? Với tô canh cua rau đay? Ăn nghe mưa mới thấy hết cái ngon của những thứ đơn sơ này.

Ăn mắm Trung làm người ta liên tưởng đến muối Huế. Muối Huế hàng chục (?) món. Có lần tôi được đãi món muối Huế có bột thịt gà. Muối phải là muối lưu niên ủ đống, ba cái thứ tạp chất đắng chát rút xuống dưới nền. Thịt gà hấp đem phơi khô ngoài nắng rồi giả thành bột trộn với muối. Hoặc món muối thịt heo. Thịt heo phải để trên bếp hong khói cho đến khi khô quắt queo mới giã thành bột trộn muối. Có người còn cho chút ngọt vào món muối. Nhưng ngọt đúng điệu Huế phải là nước mía tím, không có thì nước mía Sài Gòn xài đỡ, không ai dùng đường bao giờ - trừ những quán tiếm xưng là quán "cung đình" bây giờ. Nước mía đem sên đến lúc bay mùi bạc hà để nêm muối thịt gà hoặc muối thịt heo, ăn với gạo đỏ xứ Quảng còn lứt lứt là nhất. Gạo lứt có chỉ số đường huyết thấp, dân tiểu đường để thật bụng đói ăn một bữa thật no thì mới thấy cái sướng của người biết chung sống với bệnh tật…
Ăn mùa mưa Sài Gòn

Sài Gòn mưa kiểu Sài Gòn. Ào cái rồi thôi. Không như mưa miền Trung lê thê cả ngày. Nhưng hễ mưa là tôi lại nhớ bánh xèo. Những ngày mưa đầu mùa, không ra đồng được là ba tôi đòi má tôi đúc bánh xèo. Thế là cha con hì hục ngâm gạo rồi xay bột. Má xuống chợ mua mớ tôm đất và vài lạng thịt mỡ. Thịt quý như châu, nên mỗi cái bánh chỉ có vài ba miếng mỏng tanh tượng trưng, chủ yếu bánh "xèo" bằng dầu dừa. Giờ đây, mưa là nhớ Đinh Công Tráng, nhớ A Phủ. Nhớ bánh xèo kiểu Sài Gòn: cái bánh to - bao nhiêu là mỡ ngấm vào đấy vì mỡ rẻ hơn dầu, lá cải cũng to - bao nhiêu là urea ngấm vào đấy. Nên bánh xèo Sài Gòn đầy cholesterol, đầy hoá chất, ăn một cái đã ớn xương sống. Chẳng "hữu cơ" như bánh xèo nghèo ở miền Trung.

Mưa làm cho những người gốc miền Tây thèm bông điên điển. Năm rồi, lũ không về, nhịn thèm điên điển cho tới năm nay. Cái thèm dai dẳng và mong mỏi. Tô canh bông điên điển nấu với mớ cá tạp nham xúc ngoài đồng khi ăn ngồi chồm hổm kiểu nước lũ sao mà ngon. Lũ không về thì Sài Gòn cũng tìm không ra bông điên điển. Thôi thì ăn một dĩa rau luộc thập cẩm, mỗi người một cái trứng vịt luộc thật chín dầm mắm Phan Thiết để chấm. Chỉ có bọn học sinh dị đoan sắp thi mới cử trứng, trong khi tròng đỏ trứng là loại nhiên liệu cho trí nhớ cực tốt. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chẳng có ai hảo trứng mà bị mỡ máu cao như lâu nay người ta vẫn nghe nói. Đã vậy, trứng là loại đạm đơn bào - nguyên cả cái trứng chỉ là một tế bào, nguồn thực phẩm quý cho mấy người bị gout, bị khớp.
Mưa cũng gợi thèm cá đồng. Cá rô, cá lóc cửng, cá trê kho gừng thì khỏi phải nói. Buổi sáng lôi trã cá kho gừng ra mà dằn với cơm nguội ngon làm sao. Cá kho tộ ở các quán Sài Gòn bây giờ nhiều dầu mỡ, fastfood quá nên miếng cá không kịp thấm gia vị, ăn vào cá theo lối cá, gia vị đường gia vị. Cá kho tộ Sài Gòn chỉ còn cái tộ bản sắc mà quên mất bản chất slowfood mưa dầm thấm lâu của món kho.

Lũ về dẫn cá linh về ĐBSCL. Người Sài Gòn cũng có dịp thưởng thức món cá linh nghèo khổ kho nước dừa. Tệ lắm thì cũng món mắm linh. Vài ba miếng mắm ăn hết rổ rau sống bự làm ruột già mừng rơn nhờ vô số chất xơ, mà muối natri cũng không đủ lượng để quấy rối những người huyết áp, vì trong rau, muối kali và nước đã "trị" nó rồi. Ăn mắm ngày mưa là cả một cái thú. Có phải vào mấy quán Bắc, người ta thường gọi món cà pháo muối chua chấm mắm tôm? Với tô canh cua rau đay? Ăn nghe mưa mới thấy hết cái ngon của những thứ đơn sơ này.

Ăn mắm Trung làm người ta liên tưởng đến muối Huế. Muối Huế hàng chục (?) món. Có lần tôi được đãi món muối Huế có bột thịt gà. Muối phải là muối lưu niên ủ đống, ba cái thứ tạp chất đắng chát rút xuống dưới nền. Thịt gà hấp đem phơi khô ngoài nắng rồi giả thành bột trộn với muối. Hoặc món muối thịt heo. Thịt heo phải để trên bếp hong khói cho đến khi khô quắt queo mới giã thành bột trộn muối. Có người còn cho chút ngọt vào món muối. Nhưng ngọt đúng điệu Huế phải là nước mía tím, không có thì nước mía Sài Gòn xài đỡ, không ai dùng đường bao giờ - trừ những quán tiếm xưng là quán "cung đình" bây giờ. Nước mía đem sên đến lúc bay mùi bạc hà để nêm muối thịt gà hoặc muối thịt heo, ăn với gạo đỏ xứ Quảng còn lứt lứt là nhất. Gạo lứt có chỉ số đường huyết thấp, dân tiểu đường để thật bụng đói ăn một bữa thật no thì mới thấy cái sướng của người biết chung sống với bệnh tật…

Sài Gòn ăn sáng

Cho đến khi khoa học phát hiện ra ăn sáng là bữa ăn cho chính mình, nhất thiết không thể bỏ qua, thì Sài Gòn đã ngộ ra điều đó từ lâu. Với Sài Gòn - ăn sáng có một không gian, thời gian quả là đa điệu.

Không gian

Nói đa điệu về không gian, là nói người Sài Gòn ai cũng tìm được cho mình một không gian riêng cho bữa ăn sáng. Hẳn nhiều người còn nhớ cái không gian ăn sáng trong một tiệm ăn Tàu ở Chợ Lớn, một cái không gian đông đúc, nhưng toàn khách quen, phổ ky (hầu bàn) thuộc cái gu của từng người, lúc nào cũng ê a như rao lô tô để gọi lớn vào bếp như Bình Nguyên Lộc hay Minh Hương thuật:

- Bàn số 3, bên đông, bà lùn, cà phê ít sữa nhiều!

- Bàn số 4, bên đông, hủ tíu không giá.

- Bàn số 1, bên tây thêm bánh bao ngọt thằng nhỏ.

- Bàn số 2, bên tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to.

Hay ở một gánh bún riêu vỉa hè, hai ba người ngồi chung một bàn, vừa ăn vừa bình luận trận bóng đá hồi tối, hoặc bình luận phiên họp Quốc hội bữa qua. Càng ngày những bữa ăn của những loại quán nhất thể bán Fastfood công nghiệp đã cướp đi cái không gian ăn sáng - bình luận thời sự - tán gẫu trên trời dưới đất.

Giờ đây cũng có những quán ăn sáng phục chế lại cái khung cảnh vườn tược yên ắng, với xấp nhựt trình cũ - mới, cho người ăn có giờ nhâm nhi thức ăn, nhâm nhi luôn cả không gian xanh, mớ tin tức cũ - mới, tiếng chim hót ban mai. Hoặc vào ngồi húp tô cháo lòng Bắc ở cái quán bên ga Hoà Hưng, rồi như chưa đã, gọi thêm chén tiết canh, nhấp một cốc rượu thuốc rẻ tiền rồi vội vàng trở về công việc hàng ngày. Cũng có kẻ chơi cắc cớ leo lên trên sân thượng Saigon Trading Center để ăn sáng, để nhìn đường phố Sài Gòn bé tẹo, và thu trọn cái gió sớm Sài Gòn.

Thời gian

Thời gian của bữa ăn sáng ở Sài Gòn kéo dài từ tờ mờ sáng đến chín giờ, sau giờ này, sự phong phú về không gian và món đã giảm đi rất nhiều. Mỗi người tuỳ công việc của mình, mà thời gian ăn sáng nằm trong một khoảng nhất định nào đó. Bạn có thể bắt gặp những cảnh trái ngược ở đây: 7g30 người thì căng thẳng chạy xe thật nhanh đến sở làm, vừa chạy vừa gặm bánh mì kẹp thịt, kẻ thì tha thẩn đeo vợt trở về nhà. Như thế thời gian ăn sáng của họ không trùng lắp nhau.

Từ hơn 4g sáng, người ta đã thấy mấy gánh tàu hũ bắt đầu tất tả ở những nơi có đông người tập thể dục buổi sáng. Nhiều người đi bộ mấy vòng rồi xề xuống chiếc ghế đẩu, ăn vội một hai chén tàu hũ thơm ngát mùi nước đường và gừng, rồi về nhà tắm rửa đi làm. Trong khi bữa ăn sáng của tiểu thương chợ lại khá giống nhau: một anh bán hàng phở nào đó lần lượt bưng phở cho những chị quen với phở mình. Để đến giữa buổi mới bưng mâm đi thu gom tô đũa muỗng đã dùng và thâu tiền.

Ra ngoại thành, bữa ăn sáng có thể kéo dài hơn, vì dường như người dân ngoại thành có vẻ huỡn hơn. Họ ngồi uống cà phê xem phim bộ, nhâm nhi bữa sáng có khi tới 10 giờ, hoặc bữa đó "ế" việc, ngồi lì luôn tới trưa.

Hương thời gian

Một hôm nào đó, bạn vào siêu thị, tìm mua loại cá cơm than sấy về kho rim để buổi sáng ăn với chén cơm nguội, thì sẽ tìm lại được thời gian đã mất, như Marcel Proust tiên sinh tìm thấy qua cái bánh Madeleine. Tôi cũng vậy, mỗi lần ăn cơm nguội cá kho buổi sáng lại nhớ đến bữa cơm mẹ giở lên đồng lúc mặt trời đã chiếu ngang mang tai, ăn trên bờ ruộng, sau khi đã cày được bộn đất. Ây là mấy chén cơm nóng hổi có khi ăn với cá kho, có khi ăn với đường tán đen còn bay mùi rơm, hoặc một thứ mắm nào đó, tệ quá thì muối é hay sả.

Nhưng tôi vẫn thích hơn cả là giữ bữa ăn sáng như là sự hội ngộ duy nhất giữa những thành viên gia đình trong ngày, ở cái đô thị đã bắt đầu nhuốm tác phong "chạy" và màu stress. Nhiều người sẽ phản ứng: lại trút gánh nặng lên vai người phụ nữ! Thực ra, mỗi thành viên gia đình từ 10 tuổi là đã có thể dọn bữa ăn sáng cho cả nhà: không tự nấu được thì chỉ việc đi mua…
Chợ đêm thời trang

Với những người có thu nhập thấp - chợ đêm thời trang là một nhu cầu thiết yếu, thích hợp cả về không gian, thời gian lẫn túi tiền. Chợ đêm thời trang là nét đặc trưng trong đời sống của người Sài Gòn.

Trời vừa sập tối, những đống quần áo chất như núi với đủ loại kiểu dáng, màu sắc bắt mắt đã được đổ ra đường. "Hai lăm - ba mươi, ba lăm - bốn mươi một áo, quẹo lựa ... quẹo lựa đi!" tiếng rao lanh lảnh cùng với không khí nhộn nhịp diễn ra trước chợ Bà Chiểu (Saigon) vào những buổi chiều tối thu hút nhiều người dững chân ghé lại. Hàng hoá đa số là thời trang dành cho các bạn gái trẻ. Áo sơmi, áo thun, quần jeans, đồ bộ, thắt lưng, giỏ xách, trang sức, kẹp tóc... dường như không thiếu món gì. Người mua kẻ bán tấp nập. Chợ đêm Bà Chiểu nổi tiếng là bán đắt hàng nhất, vì chợ nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh và có rất nhiều mặt hàng tương đối đẹp. Chợ thường họp khoảng 6h chiều đến 10h đêm.

Ở chợ Kỳ Hoà, không khí thoáng đãng hơn. Chợ được quy hoạch có trật tự, từng gian hàng nối tiếp nhau thành 1 dãy dài. Hàng tuy nhiều nhưng ít đặc sắc. Chợ đêm Bến Thành lại rất vắng khách, bởi lẽ giá ở đây đắt hơn vì đối tượng phục vụ không chỉ người Việt mà còn có cả khách du lịch nước ngoài. Áo thun Việt Nam giá 70-80.000 đồng, áo thun nhập ngoại 150-200.000 đồng.

Có lẽ chợ bình dân nhất, chủ yếu dành cho công nhân lao động là chợ Hạnh Thông Tây (Quang Trung - Gò Vấp), chợ mới khánh thành cách đây không lâu và hoạt động tấp nập về đêm. Mặt hàng guốc dép ở đây rất hấp dẫn, đẹp và đa dạng, đang được giới trẻ ưa chuộng và chất liệu nhẹ, dễ đi phù hợp với tiết trời mùa mưa Sài Gòn. Guốc được làm bằng gỗ tạp và có 3 loại: loại suông, không cầu kỳ có chạy điện trang trí hoa văn (23.000 đồng/đôi); guốc sơn (15.000 đồng/đôi) và guốc xuất khẩu bị lỗi vẽ hoa rất đẹp và nhẹ (25.000 đồng/đôi). Khách hàng chọn kiểu và được đóng quai tại chỗ.

Ngoài ra còn phải kể đến những phố đêm thời trang cũng rộn ràng không kém như phố Sida ở Hồ Xuân Hương, phố Nguyễn Trãi, dọc đường Hai Bà Trưng (trước chợ Tân Định).

Theo Thời Trang Trẻ, đi chợ đêm có nhiều cái thú: không khí mát mẻ, thời gian thư thả, đặc biệt dưới ánh đèn những chiếc quần jeans hoa, áo thun đỏ, đôi giầy dây, chiế túi xách màu boọc đô, cặp kiếng màu trà, màu khói trở nên hấp dẫn dưới vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Tuy nhiên, điều thu hút người mua chính là giá cả hợp lý của túi tiền người có thu nhập thấp. Một chiếc áo thun hay áo sơ-mi nữ thời trang có giá 20-35.000 đồng, quần jeans trung bình 60-90.000 đồng, túi xách đẹp chỉ 15-30.000 đồng, vòng đeo tay xinh xắn 20.000 đồng, kẹp và cột tóc hết sức phong phú với giá 5.000-6.000 đồng... Cùng với mặt hàng như vậy, nếu mua ở các shop bình thường sẽ là gấp đôi giá. Thỉnh thoảng có vài tấm biển chào mời bằng giá cực "bèo": Áo thun 10.000 đồng (hàng lỗi xí nghiệp), dép xốp Thái 15.000 đồng/2 đôi, 8.000 đồng một con thú nhồi bông bự... Khách hàng được tự do lựa chọn thoải mái và có thể tự nhiên thử tại chỗ bằng cách mặc... chồng lên người.

Hàng bán ở các chợ đêm thời trang thường lấy từ các chợ đầu mối như An Đông, Chợ Lớn, Tân Bình, đường Nguyễn Đình Chiểu... Hàng công ty có nhiều kiểu dáng đẹp. Cao cấp hơn còn có cả hàng Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... như mắt kính, túi xách, giầy dép. Ngoài ra còn có nhiều loại bán cực rẻ do các xí nghiệp loại ra, thậm chí có cả hàng "vô danh tính". Nhưng dù có xuất xứ từ đâu đi nữa người ta vẫn thường gọi hàng đổ xô là hàng "chợ". Hàng chợ chất lượng không được đảm bảo, đường may không được chắc chắn, có khi rất cẩu thả. Bù lại đồ bán rẻ vì vải nhập sỉ cộng thêm nhiều cửa hàng nuôi hẳn thợ may gia công trong nhà, còn mẫu chỉ cần nhái theo hàng hiệu hay hàng ngoại nhập là được.

Những người bán hàng ở các chợ đêm thường là những người lao động nhỏ. Bà Thanh ở chợ Hạnh Thông Tây tâm sự: "Lời mỗi thứ vài nghìn, gặp hôm ế, lời có 500 đồng cũng phải bán, lấy công làm lời vậy!". Khách hàng của bà là các nữ công nhân may, sinh viên, học sinh... Đầu tháng, khi công nhân lĩnh lương là thời điểm bà bán được nhiều hàng nhất, còn thường ngày họ chỉ đi ngắm thôi. Buồn nhất là có khi đi cả tốp rất đông đến lựa, xáo tung cả hàng rồi bỏ đi chẳng mau cái nào. Chưa kể lời ít mà mất vặt thì nhiều.

Bán chợ đêm sợ nhất là trời mưa, thời tiết Sài Gòn thất thường đã khiến bao người bán hàng đêm phải khóc ròng. Hàng bán ngoài trời, chiếc dù bố không che đủ hết hàng, quần áo ướt tung toé, chủ hàng đứng co ro, đành phải xếp vó về. Những lúc thế, bà con thường than với nhau "Rõ trời hại nhà nghèo".

Bên cạnh đó là những nỗi lo riêng của mỗi người về việc bán hợp pháp hay là bán trốn thuế, lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Bán không thuế thì giá thành thấp, nhiều người mua. Nhưng lòng luôn phấp phỏng sợ công an bắt là mất cả chì lẫn chài. Bán hàng mà mắt và tai phải để xa trăm dặm, chỉ cần ai hú một tiếng là lập tức chồng một đầu, vợ một đầu kéo hàng chạy thục mạng. Có khi khách đang cầm lỡ cái quần thấy vậy cũng phải chạy theo, đến được chỗ an toàn lại bày ra bán, cả người bán lẫn người mua cùng thở dốc.

Còn những chỗ ngồi ổn định, nộp thuế đầy đủ thì lại lo không bán được hàng. Muốn bán được phải mua đồ đẹp, giá sỉ đã cao còn trừ thê chi phí nữa tất nhiên giá bán phải nhỉnh hơn một chút.


Mắt kính...vỉa hè

Có một “mắt kính Sài Gòn” với những bảng đèn màu nhấp nháy trong những cửa tiệm sang trọng dành cho người có nhiều tiền... Và cũng có một “mắt kính Sài Gòn” nằm dọc trên các vỉa hè, nơi mà chỉ cần 20.000 đồng là ta có thể ung dung sở hữu một cặp kính môđen mới tinh...

Thượng vàng, hạ... kính

- Cái kính này bao nhiêu?
- Chỗ khách quen lấy rẻ anh 30.000đ!
- Mắc quá vậy, 10.000đ thôi!
- Trời! Mắt kính này mà anh trả 10.000đ, hàng này mới về, môđen mới nhứt, bớt anh 5.000đ.

Sau một hồi ngã giá với anh bán mắt kính gần ngã tư Lý Chính Thắng - Trương Định, quận 3, tôi đã trở thành chủ nhân cặp kính có ghi hàng chữ “Okey” với giá bán để giữ mối là 15.000đ. Thấy tôi chê rằng đeo vào con mắt mình nó sao sao, anh chàng bán kính liền tư vấn: “Anh thay tròng “ọt ma”đi!, dễ nhìn hơn tròng nhựa!”. “Bao nhiêu?”, “45.000đ, thôi chỗ anh em lấy anh tất cả là 50.000đ, tui thay tròng “ọt ma” xịn cho anh luôn!”. Chưa đầy ba phút tôi đã có một tròng kính “ọt ma” mới!

Hôm sau tôi lại đến một điểm bán kính gần đường Kỳ Đồng (Q.3), lần này tôi hỏi mua mắt kính đổi màu. Anh chàng bán kính lôi từ trong túi nilông ra hàng loạt hộp đựng mắt kính được giấu sau giá đựng. Những mắt kính gọng vàng chói lóa được hét từ 100.000 -150.000đ.

Thấy tôi ngần ngừ anh ta tung tuyệt chiêu: “Nè, hàng này mua làm của xài suốt đời luôn. Kiếng Ray Ban chính hiệu, để anh giá hữu nghị là 350.000đ”. Theo lời anh ta, kính này có từ... trước 1975 nhưng nước xi và chất lượng vẫn nguyên vẹn, hơi cổ điển, lạc hậu so với hiện nay nên mới có giá như thế! Còn nếu tôi chê mắc thì anh sẽ để rẻ cho mắt kính đổi màu, gọng mạ vàng hiệu Shiseido giá 120.000đ; tôi thử ngã cái giá 50.000đ thì... thất bại. Cuối cùng “tỉ số” được ấn định là 70.000đ sau khi tôi ra “tối hậu thư”: “Không bán thì thôi, nếu tôi đi anh đừng gọi lại”.

Tại đường Trần Quang Diệu (Q.3), những hàng bán kính nằm xem kẽ với hàng bán cà vạt, vớ... Mắt kính ở đây chủ yếu là hàng nhựa đủ màu, phong cách trẻ trung. Khách hàng cũng đa dạng như mắt kính vậy, công nhân, học sinh, người đi xe đạp hoặc xe máy đắt tiền đều ghé vào, cùng ngồi chồm hổm lựa hàng. Quầy tôi chọn là một thanh niên khoảng 20 tuổi, giá cả ban đầu được đưa ra là 40.000đ/mắt kính nhựa thông thường và 60.000đ cho mắt kính đổi màu. Sau một hồi ngã giá, có lẽ vì quá bực mình trước sự cò kè của tôi, anh thanh niên chỉ vào đống kính và “nói thẳng nói thật”: “20.000đ một cái, lấy đi đừng có trả treo nữa. Thấy tôi chê mắc, anh ta liền thương lượng: “Muốn rẻ lấy kính “xe ôm”, giá 15.000đ!”.

Mắt kính... di động

Sài Gòn có hai loại: loại bán di động với nhiều kiểu cho khách chọn lựa và loại bán theo kiểu... “giang hồ”. Buổi sáng uống cà phê quanh quẩn ở các vỉa hè ta còn có thể gặp những người bán đồ “tả pín lù”, trong đó mắt kính luôn là mặt hàng chiến lược. Đa số người bán là thanh niên (cả nam lẫn nữ) phải đeo trên mình đủ thứ hầm bà lằng khá nặng. Mắt kính này có giá rất rẻ chỉ 10.000 - 15.000đ.

Một người bán dạo kể: “Hàng bán chạy nhất chủ yếu là kính mica trắng, to và kín dùng để đeo tránh bụi”. Thậm chí anh cho biết cũng thủ theo một vài kính đẹp nhưng cất kỹ trong người. Khi gặp đúng đối tượng sẽ lấy ra và “đôn” lên thành hàng xịn với giá gấp đôi gấp ba giá để bên ngoài. Khách chứng kiến cảnh người bán “trân trọng” với cặp mắt kính, “nâng như nâng trứng”, nhưng nếu ngờ nghệch sẽ dễ dàng bị “việt vị” ngay.

Bán theo kiểu “giang hồ” là những thanh niên mặt mày bặm trợn cầm trên tay duy nhất một cặp mắt kính và gạ những người đang uống cà phê vỉa hè. Có 101 lý do để người bán bày tỏ: “Hàng này xịn lắm, em đang kẹt tiền nên cần bán gấp” hay “mới chôm được của khách nước ngoài”. Anh M.N. ghé vào một điểm bán kính trên đường Điện Biên Phủ và mua một chiếc kính râm giá 30.000đ. Sau đó anh mới ân hận khi phát hiện đã mua mắc 10.000đ. Nhưng sau đó một thanh niên gạ anh mua kính “xịn” giá 80.000đ giống y chang kính của mình.

Thấy tôi than từ ngày đeo kính tròng nhựa con mắt nó hay mỏi, chủ một điểm bán kính thành thật khuyên: “Anh đừng ham rẻ mà mua loại này”. Tôi ngắm lại cái mắt kính hiệu Okey của mình, tròng kính phía bên trái đã bung ra một nửa gọng. Một cặp kính khác mà tôi tậu bên đường Điện Biên Phủ thì ốc vít của phần tì vào mũi rơi tự lúc nào sau ba ngày sử dụng. Quả là tiền nào của nấy!

...Làm đẹp bình dân

Trên đường Hồ Xuân Hương (Q.3), khúc nối giữa hai đường Nguyễn Thông và Bà Huyện Thanh Quan, là một phố bán mắt kính dành cho nữ. Từng giá đựng mắt kính được để đứng trên vỉa hè, thậm chí còn xuống cả lòng đường. Kính ở đây quả thật đa dạng và phong phú: Gucci, Ray-Ban, Police, Shiseido...

Những mắt kính trong suốt, đủ màu sắc và kiểu dáng. Tròng nhựa, tròng kính, gọng trong, gọng kim loại, gọng dày, gọng mỏng, gọng gấp, gọng bẻ..., mỗi thứ một kiểu riêng biệt khiến lắm khi mắt và tay của khách hàng luôn đối chọi lẫn nhau, khi mà mắt thì nhìn cái này nhưng tay lại cầm cái khác... “Anh mua kiêng cho bạn gái phải không?” - anh chàng bán kính không kịp chờ câu trả lời của tôi đã tiếp thị tiếp - “Mặt bạn gái anh như thế nào? Tròn thì lấy loại này, dài thì lấy loại kia!”.

Theo lời của anh, hàng bán ở đây chủ yếu là hàng hiệu second-hand nên giá rẻ hơn hàng mới nhiều lần. Đưa tôi xem một mắt kính hiệu Otto, anh nói: “90.000đ, bán ở đây không đóng thuế nên rẻ, anh vô siêu thị thì giá 120.000đ”.

Tôi có người bạn thay kính như thay áo. Mỗi tuần anh ta lại tậu cho mình một cặp kính mới. Lúc màu xanh, lúc màu đen, lúc mắt kính to tổ bố, lúc lại tròn và nhỏ. Cái giá từ 20.000 - 40.000đ một mắt kính khiến anh bạn tôi luôn thay đổi sở thích về mắt kính mà không chút đắn đo. Nếu tập hợp lại những cặp mắt kính mà anh đã mua thì có lẽ anh ta đã có một bộ sưu tập!

Lần cuối cùng ghé qua khu phố Hồ Xuân Hương, tôi đã chứng kiến một cảnh thật dễ thương, đó là cô gái trẻ đi trên chiếc Wave Alpha ghé vào hàng bán kính, không phải để mua mà để đổi lại cặp mắt kính có hiệu Channel, vì theo lời cô là màu đen đeo không hợp. Anh bán hàng vui vẻ cho chọn lại mắt kính khác và kiêm luôn vai trò “nhà tư vấn”: “Màu khói nhạt phù hợp với gương mặt em hơn!”.

Tôi biết đó là “bạn hàng” của anh, những bạn hàng trẻ tuổi luôn có nhu cầu làm mới cho mình bằng mắt kính nhưng túi tiền không nhiều. Đó là nhu cầu thật của những người trẻ tuổi không đủ tiền để sở hữu những chiếc kính hàng hiệu giá lên đến triệu đồng. Và họ chọn đến “mắt kính vỉa hè”.
"Bí mật" nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà (còn gọi là nhà thờ lớn, Vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa) Sài Gòn đồ sộ, đẹp, đứng sừng sững ở trung tâm thành phố luôn thu hút nhiều người lui tới.

Thế nhưng qua 124 năm tồn tại, mấy ai đã biết gì về nhà thờ này. Sau khi được phép của linh mục chánh sở Huỳnh Công Minh, PV báo TT đã được linh mục phụ tá Vương Sĩ Tuấn hướng dẫn vào nhà thờ...

Trăm năm, gạch ngói không phai màu

Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc.

Theo quan sát của chúng tôi, một số ngói vỡ trong nhà thờ có in hàng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France (nơi sản xuất loại ngói này?), mảnh ngói khác lại có hàng chữ Wang - Tai Saigon. Có thể đây là mảnh ngói được sản xuất sau tại Sài Gòn dùng để thay thế những mảnh ngói vỡ trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, thời gian mà theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, có nhiều cửa kính của nhà thờ bị vỡ.

Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo.

Trên tường được trang trí nổi bật là 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Rất tiếc trong số cửa kính này hiện chỉ còn hai cửa là nguyên vẹn như xưa...

Đàn cổ nhất nhì trong nước (?)

Đứng từ bàn thờ chính của nhà thờ nhìn về phần trên cao phía cửa chính, chúng ta sẽ thấy một bức tường gỗ lớn. Đó là nơi được gọi là “gác đàn” và bức tường gỗ ấy chính là cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất nước hiện nay, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn.

Ước lượng phần thân đàn cao 3m, ngang chừng 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một tấc. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường hiện nay dùng tay gõ và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3m, ngang khoảng 1m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm.

Bên trong đàn được thiết kế tương tự đàn piano nhưng phức tạp hơn nhiều. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh, tương tự kiểu đánh đàn k’lông pút của Tây nguyên. Theo ông Nam Hải, người phụ trách phần nhạc của nhà thờ, để đánh được cây đàn này người đánh phải học riêng vì không có trường lớp nào dạy.

Điều đáng tiếc là cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do thiếu bảo quản (bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay). Hiện nhà thờ còn có một cây đàn tương tự nhưng nhỏ hơn rất nhiều, trị giá khoảng 70.000 USD, còn khá mới, do một cựu lãnh sự Pháp tại TP.HCM “gửi”.


Máy đồng hồ với đồng hồ nhỏ theo dõi
Chiếc đồng hồ khổng lồ .

Hai bên hông gác đàn là một khoảng trống, đó là gác chuông. Từ khoảng trống này nhìn thẳng lên mái tháp chuông - hơn 26m, cao hun hút và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng bốn tấc bề ngang.

Khoảng giữa cầu thang nhỏ ấy ở độ cao chừng 15m, chúng tôi thấy một khung cửa tò vò nhỏ bằng lưới. Chui vào cánh cửa ấy với khá nhiều bụi bặm và phân dơi, phần chủ yếu của chiếc đồng hồ nhà thờ Đức Bà hiện ra. Bộ máy đồng hồ to như một chiếc tủ chứa quần áo loại lớn, cao khoảng 2,5m, dài khoảng 3m và ngang độ hơn 1m.

Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Theo anh Phan Vĩnh Du, người chịu trách nhiệm đánh chuông và bảo trì đồng hồ, mỗi tuần lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe.


Những quả chuông đúc từ năm 1879
Gần 30 tấn... chuông

Trên gác chuông, cao 36,6m kể từ mặt đất, rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút rợn người. Gác chuông bên phải (phía bên Trường Hòa Bình) có hai chuông mang tên nốt nhạc là la và do. Gác chuông bên trái có bốn quả chuông sol, si, mi và re.

Ba quả chuông to nhất là sol nặng 8.745kg, si nặng 3.150kg và quả re nặng 2.194kg. Tổng cộng sức nặng của các quả chuông, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, là gần 30 tấn, tất cả đều được đúc ở Pháp vào năm 1879. Đặc điểm của chuông nhà thờ là có âm sắc riêng không thể lẫn vào đâu, vì vậy theo anh Nam Hải, không có bậc fa.

Khi xây nhà thờ, gác chuông không có mái. Năm 1885, kiến trúc sư Gardes đã thêm mái chóp vào để che gác chuông với tổng chiều cao tính từ đất là 57m. Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rờle điện. Khi đổ cùng lúc sáu chuông, tiếng chuông vang xa trong phạm vi chừng 10km.

Từ lâu khá nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đã vào đây. Linh mục Vương Sĩ Tuấn cho biết năm 2005 là năm kỷ niệm 125 năm thành lập nhà thờ và cũng để ủng hộ ngành du lịch thành phố, nhà thờ sẽ thành lập một đội hướng dẫn viên tình nguyện biết nhiều thứ tiếng để hướng dẫn khách tham quan. Có thể việc này sẽ giúp nhiều người trong và ngoài nước hiểu biết thêm về nhà thờ Đức Bà và chúng ta có thêm một điểm tham quan thú vị nằm ngay trung tâm thành phố.

- Dài 91m, rộng 35,5m và vòm mái chính cao 21m, hai tháp chuông cao 57m, tường nhà thờ Đức Bà được xây bằng gạch và cột bằng đá tảng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo.

Khởi công từ 7-10-1877 đến 11-4-1880 thì hoàn thành, nhà thờ còn là một nơi yên nghỉ của nhiều giám mục và linh mục của giáo phận, trong đó có giám mục Isidore Colombert - người đặt viên đá đầu tiên và làm lễ khánh thành nhà thờ, mất năm 1894.

- Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không có chỗ cho nến (đèn cầy). Toàn bộ đèn - có mặt ngay từ khi xây dựng xong - đều dùng điện.
Giai thoại về Tứ đại hào phú Sài Gòn:

1. Nhất Sỹ:

Tên thật là Lê Phát Đạt, sinh quán tại Cầu Kho, Sài Gòn. Thưở nhỏ ông tên là Sĩ, sau theo học trường dòng nên đổi tên thành Đạt. Trở về sau khi đi du học, ông lại lấy tên cũ của mình, từ đó người ta quen gọi là ông Sĩ.

Khi ra trường, ông làm thông ngôn (interprète) rồi lên làm tham biện, sau đó là chức Huyện hàm. Vốn là công chức mẫn cán, có tài, ông được ưu tiên mua đất đai giá rẻ và muốn mua bao nhiêu cũng có. Huyện Sĩ đã đầu tư lớn d0ất đai ở Sài Gòn, Tân An... Một thời gian sau mật độ dân cư đông lên, đất đai trổ nên quý giá, mua một bán trăm. Với đầu óc thông minh, Huyện Sỹ đã khiến tài sản của mình tăng lên chóng mặt và trở thành đại gia lớn ở Sài Gòn.

Ngôi Thánh đường còn lưu dất tích đến ngày nay: nhà thờ Huyện Sĩ góc Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng ngày nay chính do ông xây dựng.

2. Nhì Phương:

Tên đầy đủ là Đỗ Hữu Phương, mang hàm Tổng đốc thời Pháp đô hộ Nam Kỳ. Đó là một tay Việt gian, song xét về tài sản thì xứng đáng trong top cự phú Sài Gòn.

Tài sản của Tổng đốc Phương tương truyền do bà vợ giỏi kinh doanh cộng với thế lực của chồng đã làm đủ việc để làm giàu, từ phân phối hàng hóa dịch vụ cho đến bất động sản. Người Pgháp cũng muốn trả ơn sự "tận tuỵ" của Phương Tổng đốc mà giành cho gia đình này nhiều đặc quyền đặc lợi.

3. Tam Xường:

Tên thật là Lý Tường Quan, người Minh Hương. Giỏi tiếng Pháp, thông thuộc ngôn ngữ Hoa Việt, Lý Tường Quan làm thông ngôn cho chính quyền Pháp, được yêu mến và trọng dụng bởi sự thông minh, đắc dụng.

Đến năm 30 tuổi ông từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được để bước vào lĩnh vực kinh doanh. Ông tập trung vào lĩnh vực kinh doanh lương thực dịch vụ, độc quyền cung cấp thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Không lâu, bá hộ Xường đã trở thành "trùm" về lương thực thực phẩm và công nghệ thời ấy. Dinh thự riêng của ông tọa lạc tại đường Gaudot (Hải Thương lãn Ông ngày nay) nguy nga bề thế, nhiều người nể vì. ( Hải Thượng Lãn Ông ngày nay cũng là đường tập trung nhiều đại gia sản xuất lớn).

4. Tứ Hỏa:

Tên đầy đủ là Hui Bon Hoa, hay người ta thường gọi thân mật là chú Hỏa. Ông là người có nhiều huyền thoại nhất trong tứ đại hào phú Sài Gòn xưa. Đi lên bằng hai bàn tay trắng (làm nghề đồng nát), nhiều người đã thêu dệt những câu chuyện như nhặt được vàng trong đống đồng nát, an táng mộ cha đúng long mạch hay bí mật mang vàng bạc từ Trung Quốc sang...

Song cuộc đời chú Hỏa là chuỗi ngày cần cù làm việc để làm giàu. Sau mấy chục năm đi thu mua ve chai ( thầu ve chai không phải là công việc thấp kém mang ít tiền như nhiều người nghĩ. Hiện Sài Gòn có những công ty thu mua giấy, sắt, dầu nhớt vụn và hàng tỷ thứ lung tung khác thải ra từ các khu công nghiệp, các nhà máy lớn, kiếm bộn tiền), kiếm được số vốn kha khá, chú Hỏa nhảy vào lĩnh vực bất động sản. Sài Gòn bây giờ bước từ thưở sơ khai sang thời buôn bán thịnh vượng, tụ hội dân tứ xứ nên đất đai luôn là điểm nóng. Trong vòng mười năm, tài sản chú Hỏa trở nên khổng lồ. Trước thế chiến thứ nhất, gia sản của chú Hỏa đã ngót nghét 20,000 căn nhà phố ở khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, thành lập công ty "Hui Bon Hoa và các con".

Ngày nay, hầu hết con cháu chú Hỏa đều đã sống ở nước ngoài. Dấu tích xưa chỉ còn tòa dinh thự đồ sộ nằm ở khu tứ giác Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình (Quận I ngày nay). Ít người biết Trung tâm cấp cứu Sài Gòn trên đường Lê Lợi cũng là một công trình chú Hỏa dựng nên để tặng cho thành phố.
Sài Gòn thương nhớ cà phê

Cà phê Sài Gòn có muôn ngàn câu chuyện. Chỉ một tách cà phê đã mang người thưởng thức đến nhiều thế giới khác nhau.

Trong ngõ ngách càphê...

Buổi tinh mơ. Quán cà phê không đường Tri Nhân ở Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh. Ly cà phê giọt nhỏ uể oải. Những sắc màu bình minh. Một chiếc lá vàng trên cây mận đậu xuống bàn. Nhạc Ngô Thuỵ Miên len lén dẫn mùa thu tóc ngắn vào vườn.

Hương cà phê nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi, vị đắng cùng vị ngọt ân ái nhau lạ lẫm. Vị ngọt của loại cà phê không đường. Tại sao cà phê không đường lại ngọt? Chủ quán cười cười giấu nhẹm cách sản xuất, mơ hồ bảo chất ngọt tận dụng từ đường trong trái cà phê chín…

Thêm một chiếc lá rụng xuống bàn. Nhớ Yudishthira, anh cả trong dòng Pandava trong sử thi Mahabharata, từng bảo: Mỗi ngày, cái chết đến, vậy mà chúng ta sống như không bao giờ sẽ chết. Ðây là điều kỳ diệu lớn nhất.

Một quán cà phê vỉa hè bên đường Petrus Ký cũ, nay là Lê Hồng Phong. Có từ cách đây hơn 30 năm. Cà phê vỉa hè mà khách đông nghẹt. Ông chủ quán chỉ công thức ngon: Cứ một cân cà phê pha 100 g nếp hương và hai hạt cau khô rang xay nhuyễn, và một muỗng canh nước mắm nhỉ. Ông bảo người ta thương nhớ là thương nhớ cái chát của cau, cái mằn mặn thoang thoảng của mắm.

Quán chật mà khách vẫn chen vào. Chỉ cần một chiếc ghế cóc, tay bưng chiếc đĩa để một ly xây chừng đựng cà phê, nếm chậm rãi… nhiều vị khách còn chưa đã, chắt phần cà phê tràn xuống đĩa lót trở vào ly. Ông chủ bảo: Cũng là cách chiều khách. Có người rót không tràn không chịu, cằn nhằn. Quán cũng là nơi ngồi lê đôi mách của cánh đàn ông, thi thoảng có vài bà ghé vào. Xong nghi thức cà phê buổi đầu ngày. Vậy mà không có thì nhớ.

Cà phê đầu ngõ cũng thường là nơi lui tới mỗi sáng sớm của dân Sài Gòn. Như quán cà phê đầu ngõ hẻm 242 Bùi Viện. Những quán cà phê này thường bàn ghế nhỏ gọn. Nắng mưa đều khiến chủ phải lăng xăng, nhưng khách vẫn lui tới. Ở đó, có thể ngày nào cũng nhìn, cũng thấy từng khuôn mặt rất quen trong xóm. Chị A, đúng 6 giờ dắt chú chó Nhật ra đường cho nó đi vệ sinh, những ngày trở lạnh còn mặc thêm cho nó chiếc áo bông. Hai vợ chồng già bác B. 7 giờ nắm tay nhau từ quán phở vỉa hè gần đó về nhà. Anh xích lô C. bước vào quán tay phe phẩy tờ bạo Cà phê vỉa hè còn gọi là cà phê kho, cà phê vớ, không ngon, nhưng sáng không đến nhiều người vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó.

Có khi ngồi đó nhâm nhi lại một đoạn dĩ vãng. Nhớ lại những ngày đường tem phiếu hiếm hoi, sáng phải uống cà phê với muối hột. Vị muối mặn chợt hiện về trong ly cà phê của thời đường ê chề bán ế lên ế xuống. Rõ ràng là ngoài cà phê, nhạc, không gian, còn có cái gì trĩu nặng trong ly cà phê sáng.

Với người giàu có thời gian hơn, cà phê Sài Gòn bây giờ nhiều thân dáng lắm, để đem lòng thương nhớ. Nhưng đó phần lớn là cà phê cho người có nhiều thời gian đắm mình trong những không gian khác nhau, chiêm nghiệm, nhâm nhi.

Ðường Ðồng Khởi vẫn giữ nguyên ngôi vị khu cà phê Sài Gòn. Nhiều khuôn mặt cà phê ở đây đã nhẵn với nhiều thế hệ dân Sài Gòn. Từ cà phê vỉa hè Metropolitan đến gần khu trung tâm là những tiệm cà phê một thời lừng lẫy danh tiếng của Sài Gòn cũ như Givral nơi xưa quy tụ các nhà văn, Brodard quy tụ nhà báo. Xuôi về phía cuối đường Ðồng Khởi, vượt qua một số quán cà phê mái hiên bên hông các khách sạn Continental, Majestic, Caravelle, là cà phê Catinat - tên cũ của Ðồng Khởi, nơi đầy âm hưởng dân văn nghệ… Âm nhạc và không gian thường là những sắc thái chính làm nên tấm nhan sắc của từng quán. Montana, Bodegar, Catinat, Yoko, Wild Horse, Thanh Niên…, mỗi quán một vẻ.
Sài Gòn cổ thụ

Sài Gòn có 36.599 cây xanh trên đường phố. Trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nói hoa phượng đỏ, ta nhớ về TP cảng Hải Phòng; nói về hoa sữa, ta nhớ đến Hà Nội... Cây hoa sữa của Hà Nội đem vào trồng ở Đồng Hới, Đà Nẵng... lại chẳng có chút cảm giác nào. Ngược lại, có lần người dân ở thị xã này còn đi kiện... cây hoa sữa vì thời tiết nóng nó ra hoa tỏa hương nồng chịu không nổi! Thị xã phải cho đốn bớt đi để trồng loại cây mới. TP không có cây xanh là TP không – ký – ức. Tôi đã từng sống gần mười năm ở một TP có hàng cây xà cừ duy nhất gần 70 tuổi đã bị đốn hạ sau đợt mở đường. Một ngày nào đó đi xa, chợt giật mình hóa ra gần mười năm trời nó chẳng còn gì trong ký ức của mình. Thật lạ lùng, đời người gắn với đời cây. Thuở học trò, chỉ nhớ về mỗi ngôi trường có hai cây phượng vĩ cổ thụ ở một vùng đèo heo gió hút. Mùa hè, phượng nở hoa, ve sầu kêu râm ran ầm ĩ át cả tiếng thầy giảng bài. Thời sinh viên, chỉ nhớ đến con đường phượng bay (đường Đặng Thái Thân) nằm trong thành nội ở Huế đã đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn... Buổi chiều tan học về, ngang qua đường này lá phượng rơi tầm tã trên vai áo dài của người thiếu nữ Huế. Những ngày lăn lóc ở Trường Sơn, còn lai những cánh rừng lá đỏ.

Thời gian sẽ trôi qua đi. Thời gian vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Cuộc sống con người vốn lãng du và đổi thay liên tục. Trên hành trình mệt nhoài của phận người, những cội cổ thụ già của mỗi nơi chốn, mỗi TP đi qua vẫn trầm mặc soi bóng xuống một vùng ký ức lặng im của kỷ niệm. Sài Gòn trong nỗi nhớ xa xôi còn lại những hàng me thì thầm với gió. Sài Gòn trong ấn tượng của khách thập phương với những cây dầu rái (tên khoa học Dipterocarpus alatus Roxb) và cây sao đen (tên khoa học Hopea odorata Roxb) trên các con đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Trần Quốc Thảo, Huyền Trân Công Chúa... Đó là hình ảnh cuối cùng của rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng của miền Nam. Thẳng, cao, sừng sững và hoành tráng. Hai loại cây sao, dầu là chứng nhân tin cậy nhất cho lịch sử đất Sài Gòn vốn sơ khai là rừng rậm hoang vu. Khi người Pháp đặt chân đến TP này vào cuối thế kỷ 19 đã lập ra “Sở Ươm cây”. Người Pháp rất có ý thức về cây xanh đường phố nên ra lệnh cấm triệt hạ những cây cổ thụ còn sót lại. Các loại cây nhiệt đới được mang tập trung về đây trồng thử. Có lẽ, lúc đó ông Pierre, Giám đốc Sở Ươm cây, đã thấy cây dầu và cây sao cũng đẹp nên đem trồng ra đường. Thực ra, cây dầu và sao không thích hợp chút nào với đường phố vì nó cao quá. Trong điều kiện thiếu ánh sáng quang hợp, bản năng sinh tồn tự nhiên đã thúc đẩy những cây này vươn lên tầng trên một cách khác thường. Các nhà sinh vật học nói rất hình tượng rằng cái đẹp của cây cối cũng có mức chuẩn của nó như người phụ nữ đi thi hoa hậu thì cơ thể phải có chiều cao và số đo ba vòng phù hợp. Vì trái quy luật nên đâm ra bất bình thường. Trong 9 vụ tai nạn chết người do cây xanh gãy đổ trong vòng 11 năm trở lại đây ở Sài Gòn, có đến 4 vụ do “thủ phạm” là cây sao, dầu. Năm năm trước, chỗ gần nhà để xe của sân bay Tân Sơn Nhất cũng có một hàng cây dầu chừng ba bốn chục tuổi. Nghe người ta “đe” bảo hiểm mỗi đầu khách quốc tế lên đến mấy chục ngàn USD. Các cơ quan chức năng “hãi” quá. Đành phải ra lệnh “thi hành án” nó thật nhanh chóng trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của ông hàng không và tiếng chặc lưỡi tiếc nuối của ông cây xanh TP. Dù sao cũng không thể khác được. Vậy thôi. Quê hương của nó, thủ đô Jakarta, trên đường phố người ta cũng chỉ trồng cây me và cây lim xẹt để lấy tiêu chuẩn xanh một cách an toàn.

Cổ thụ hiếm hoi.- Cây cổ thụ cao tuổi nhất Sài Gòn quanh đi quẩn lại cũng thuộc về họ “cây đa cây đề”. “Cụ” đa còm trong Công viên Bách Tùng Diệp nơi góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng giữ kỷ lục về tuổi tác. “Cụ” này có 5 thân, số tuổi trên 300 năm. Nhờ ơn mưa móc của trời đất đến nay “cụ” vẫn còn khỏe mạnh. Cách đây mấy năm, trong Công viên Bách Tùng Diệp có một “cụ” nữa số cũng tuổi xấp xỉ. Một người dân cạnh đấy đào móng làm nhà, động đến rễ khiến “cụ” chết dần. Bên cây xanh luyến tiếc, huy động 54 nhân công chữa bệnh. Suốt cả tháng ròng, chăm bón tắm tưới, cuối cùng cũng đành bó tay nhìn cụ “lên đường”. Theo Trương Vĩnh Ký, dưới thời Tự Đức, chỗ cây đa này là một cái chợ nổi tiếng sầm uất lấy tên là chợ Cây Đa Còm. Ngày trước, sĩ tử đi thi trường Gia Định thường ra chợ này mua sắm áo mũ. Bây giờ, chợ không còn nữa, dưới gốc đa nay là quán cà phê. Sáng sáng, các cụ già ra đây ngồi nhâm nhi cà phê hồi tưởng, ngắm thiên hạ nương theo bóng mát gốc đa. Đêm đêm các cặp tình nhân cũng vào quán này ẩn mình trong bóng... tối đại huệ đại phúc của “cụ”.

Hình ảnh cuối cùng của rừng nhiệt đới ẩm giữa Sài Gòn đã mất. Cây xay (tên khoa học Dialium cochinensis Pierre) 200 tuổi nằm trên đường Huỳnh Văn Bánh bị đốn hạ cách đây 3 năm rồi. Dưới gốc xay này, ngày xưa nghe nói có một con suối chảy qua, người dân mấy thế kỷ trước hay dùng để cột voi, cột ngựa vào đấy. Cây mù u trắng (bạch mai) cổ được trồng vào năm 1909 ở Phụng Sơn Tự (quận 11), là chứng nhân của Bạch Mai thi xã - thi đàn nổi tiếng của Nam Kỳ, nay cũng đang ở trong tình trạng nghiêng nặng cần được chăm sóc và bảo vệ. Nói đến cây cổ thụ quý hiếm Sài Gòn không thể không nói đến Thảo Cầm Viên và khuôn viên Dinh Thống Nhất. Trong Thảo Cầm Viên có cây bao báp duy nhất nguồn gốc tận sa mạc Phi châu. Các loại cây khác như cườm rắn, côm, cườm thị, chưng bàu... cũng chỉ có trong Thảo Cầm Viên hoặc Dinh Thống Nhất. Cây mã tiền (hay còn gọi là củ chi) một thời dùng để đặt tên cho vùng đất Củ Chi nay cũng biến mất.

Một người có “tâm” với... cây.- “Tôi có được cái an ủi là khi sắp về hưu rồi, tôi đã góp phần giữ lại nhiều cây cổ trong TP” - kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã tâm sự như vậy. Ông là một người rất yêu... cây. Tốt nghiệp Trường Nông Lâm Hà Nội năm 1966 rồi vác ba lô vào Trường Sơn làm công việc nghiên cứu rau rừng cho Tổng cục Hậu cần. Hòa bình về, ông chuyển ngành sang quản lý cây xanh. Ông bảo, làm công việc này có một... tâm hồn nghệ sĩ nữa thì tốt biết mấy. Ông là người “hiểu” từng gốc cây trong TP. Đội Quản lý cây xanh số 1, nơi ông đang làm việc, được giao quản lý cây xanh phía Nam Sài Gòn. Trong diện quản lý của đội này tập trung nhiều cây cổ thụ có tuổi nhất. Cả đội có 40 thợ leo lành nghề cha truyền con nối. Đội tuần tra hằng ngày vác ống nhòm săm soi tận những cành cây cao. Phát hiện một chút khả nghi mục ruỗng hoặc sam, hà là lập tức gọi thợ leo đến giải quyết. Mỗi lần “thi hành án” một cây cổ thụ vì lý do chẳng đặng đừng nào đó, ông bảo thấy tiếc đứt ruột. “Vậy mà tai nạn cây xanh vẫn xảy ra thường xuyên. Làm sao biết được một cây vẫn xanh tươi hoa lá vậy mà rễ đã đứt hết hoặc ruột rỗng tuếch” - ông Kiểm kể. “Cách đây đâu khoảng 5 năm, buổi trưa tôi đang ngồi uống giải khát ở đường Trần Quốc Thảo. Một người phụ nữ đi qua thì bất ngờ một nhánh sao gãy đổ xuống ngay đầu. Tôi theo nạn nhân vào bệnh viện đến 9 giờ tối để chăm sóc cho họ. Đói quá, tôi ra ngoài cổng để ăn cháo. Gặp người nhà nạn nhân, tôi mời họ ăn luôn thể. Bất thình lình, một thân nhân bưng tô cháo hắt vào mặt tôi và chửi thậm tệ. Tôi giấu nhẹm chuyện này với vợ và con gái. Kể ra sợ gia đình buồn. Đâu có ai mong muốn như vậy đâu. Nghề gì cũng có cái khổ của nó. Lúc đó tôi hiểu được nỗi bức xúc gia đình nạn nhân”. Chị này qua đời khi còn vài ngày nữa thì lên đường xuất cảnh sang Mỹ.

Để làm một căn nhà lầu chỉ mất chừng một năm hay mấy tháng. Nhưng để có một cây xanh bình thường trên đường phố, mọi người thường quên rằng phải mất mấy chục năm. Thời gian bằng cả một đời người. Trong chiếc tủ ở phòng làm việc của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm chất đầy những tấm ảnh về... cây. Cây trong TP. Cây khắp các nước trên thế giới... Có cây còn đứng đó điểm tô cho màu xanh TP nhưng có cây đã vĩnh viễn “ra đi” rồi. Những nơi ông đã đi qua thì tự chụp hình. Những nơi không đến được thì nhờ bạn bè chụp giúp và gửi về... ngắm cho vui! Trong đôi mắt của ông dường như có rất nhiều cây cối tươi tốt. Nghĩ lại những điều ông nói về kỷ niệm, ký ức gắn liền cây trên đường phố, một ngày đi ngang qua những con đường mới không cây xanh dưới nắng nôi chợt thấy lòng trống huơ trống hoác và bực dọc. Rõ ràng rất vô hình, cây cổ thụ đã neo giữ ký ức trầm lắng của mọi người về Sài Gòn. Điều đó ta chỉ chợt phát hiện ra khi đi xa một mình bỗng nhớ về quán cóc ngồi dưới gốc cây một trăm năm cùng bè bạn...

Mật độ: Cây xanh đường phố Sài Gòn tính trên đầu người là 2,4 m2. Trong khi đó ở Hà Nội là 4 m2. Ở Singapore 7,5 m2, ở Vacsava con số này lên đến 30 m2. Theo dự kiến, TP sẽ phấn đấu đến năm 2010 diện tích cây xanh trên đầu người là 4 m2.
Sài Gòn - những con 'phố tình nhân'

Những người qua lại trên đường Trường Sơn (khu sân bay Tân Sơn Nhất) vào mỗi buổi tối lúc trước, không khỏi chướng mắt trước cảnh tượng các cặp nam nữ "yêu nhau". Trên con phố đông người qua lại, ấy thế từng cặp nam nữ vẫn ôm ghì lấy nhau, bày tỏ các kiểu yêu đương chẳng khác gì trong phim ảnh.

Trường Sơn được xếp vào danh sách những con đường đẹp nhất thành phố. Hằng đêm, khi thành phố lên đèn, con đường được tô điểm bởi làn ánh sáng vàng dịu, tạo cho mọi người cảm giác thư giãn. Không gian trong lành hơn bởi những hàng cây xanh được trồng đều quanh khu vực sân bay. Nhờ vẻ đẹp trong lành và lãng mạn ấy, hàng đêm người dân thành phố thường rủ nhau về đây. Thế là các khu phố "ăn chơi" được mọc lên với đầy đủ muôn vẻ, muôn màu của nó. Phố cà phê, phố ăn nhậu và phố... tình nhân.

Hiện diện trong không gian mờ ảo nhiều cặp nam nữ, đa số còn rất trẻ, ngồi trên những chiếc xe máy được xếp đều trong và ngoài hàng rào trước khu vực sân bay. Tất cả đều quay vào phía trong nên người đi đường chỉ nhìn thấy phía sau họ với đủ các tư thế ngồi khác nhau. Có những cặp ngồi thành đôi hai hàng trên yên xe, chàng trai choàng tay ôm vai cô gái, cô gái ngả đầu vào lòng chàng, rất lãng mạn tình tứ, còn phía bên kia, tay chân của họ làm gì thì chỉ có...trời mới biết. Có những cặp hai người ngồi hẳn vào lòng nhau, mặt sát mặt, hôn nhau đắm đuối. Táo bạo hơn là những cặp tuy đứng hẳn ngoài lề đường nhưng họ vẫn quấn chặt lấy nhau, cọ cạ, thực hiện những động tác vuốt ve, mơn trớn. Còn bên trong góc khuất của những bụi cây lưa thưa, thấp thoáng những tấm thân quầy quậy, thỉnh thoảng có tiếng thét lên, sau đó không gian lại chìm trong yên tĩnh.

Chạy dọc bờ kè từ khu Thị Nghè (Bình Thạnh) đến quận Phú Nhuận, người đi đường không khỏi khó chịu trước những cảnh tượng khó coi luôn diễn ra trước mắt. Nơi đây không gian thoáng mát (trừ những lúc nước kênh Nhiêu Lộc bốc lên những mùi nồng nặc, hôi thối). Kế mé đường là những thảm cỏ xanh mướt, bên trong lại có bờ kè đá khác sạch sẽ. Tại những khu vực này bất kể ngày đêm, vẫn có những cặp tình nhân cặp kè tâm sự. Vào ban ngày thanh niên nam nữ đến đây để "yêu" thưa hơn. Chủ yếu họ tập trung dưới những tán cây bàng rợp mát trên đoạn đường Hoàng Sa (quận 1) để "tâm sự". Có những cặp ngồi tựa gốc cây tán chuyện. Có cặp nằm hẳn xuống nền cỏ, chân gác lên người nhau. Hình như họ đã có sự chuẩn bị khá chu đáo trước khi đến đây để "tâm sự" bởi họ đều có tấm áo mưa lót dưới, bên cạnh là nước uống, trái cây, bánh ngọt... Và cũng tại nơi đây, người đi đường bắt gặp không ít những cô cậu trên người còn vận nguyên bộ đồng phục áo dài, áo sơ mi trắng, quần tây xanh. Về đêm, dưới ánh đèn xanh mờ, cảnh tượng "yêu" diễn ra khá trắng trợn. Những thân người quấn lấy nhau, "biễu diễn" những động tác chẳng khác gì trong phim... tình cảm Mỹ. Những ngày trong tuần vừa qua, vào ban đêm, tại những góc tối của con đường Hoàng Sa xuất hiện những người thanh niên ngồi, nằm đủ các tư thế, mắt thao láo dán chặt vào các cặp tình nhân đang "tâm sự". Thì ra đám thanh niên này đang xem "phim thật", không mất tiền.

Con đường mới "bất hạnh" nhất có lẻ là đường Nguyễn Hữu Cảnh. Thời điểm mới "chào đời" được hơn một năm mà nó phải mang trên mình tới hai "khu phố tình" luôn "sầm uất" vào ban đêm. Khu đầu tiên nằm dưới chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn hướng về quận1). Tại đây, trên lề đường được lót gạch ô rất tươm tất là một dãy xe gắn máy được xếp thật đều. Có người cuời, bảo: "Hay thật, cứ hai mét vuông dành cho một cặp". Cũng giống những khu phố khác, những cặp tình nhân ra đây thường ngồi tâm sự trên yên xe, quay người vào bức tường trước mặt. Ngoài tâm sự bằng lời, hôn hít, vuốt ve, còn việc "tiến xa hơn" thì chỉ có... bức tường mới biết. Khu thứ hai trên đoạn đường này là ngay trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Điều thú vị mà các đôi tình nhân thường tụ tập nơi đây là vừa được ôm ấp người yêu trong tay vừa được ngắm nhìn những làn xe tấp nập ra vào cửa ngõ thành phố, phía bên dưới. Tự do, thoải mái đến độ có những thanh niên cởi luôn cả áo, ngồi vắt vẻo tâm sự với người yêu. Họ nói cười hô hố rất vô tư.

Thêm một phố tình nhân mọc ngay giữa trung tâm Sài Gòn đó là con lươn nằm giữa đường Nguyễn Huệ (hướng ra bến Bạch Đằng). Điều đặc biệt của khu này là các cặp tình nhân bắt đầu "họp phố" từ khoảng 17h30' chiều. Những cặp tình nhân tại đây thuộc rất nhiều các thành phần khác nhau từ học sinh, sinh viên, nhân viên, công chức... đến các cặp "sồn sồn". Họ lấy con lươn làm chỗ ngồi và tất cả đều dựng xe trước mặt như một vật có công dụng "chắn tầm nhìn" của những người đi đường ngang qua, để "tâm sự" được tự nhiên hơn.

Sài Gòn còn rất nhiều những khu phố tình nhân như thế, nào khu bến Bạch Đằng, đường Phan Xích Long (quận Bình Thạnh), khu Thảo Điền (quận 2)...Những khu phố nào hội đủ các điều kiện như thoáng mát, sạch đẹp và ánh sáng mờ mờ là phố tình nhân có thể được hình thành. Khi phố tình nhân "hoạt động" thường kéo theo một đội quân bán vé số, kẹo cao su, đánh giày... Trong số đội quân ấy, có không ít những kẻ vừa bán vừa... chôm (giày dép, giỏ xách, đồng hồ), công khai nhất là đội quân bán bưng tại khu vực bến Bạch Đằng.
Thấp thoáng Sài Gòn xưa

Như một cái duyên của đất đai, lớp phù sa cổ phương Nam, tự căn cơ, đã mang lấy những cuộc hội ngộ của nhiều dòng hợp lưu văn hoá. Đất ngày càng chật, người ngày càng đông, nhưng thành phố vẫn là vùng mang bao giấc mộng đổi đời. Trên dòng phù sa nồng nàn của đất đã hình thành dòng phù sa khác của văn hoá, thứ văn hoá kết tinh và gạn lọc qua những biến cố thời cuộc dâu bể.

"Con gái Sài Gòn..."

Có người hỏi làm sao

Search Box

Loading