Tìm kiếm trong Blog này

30 tháng 9, 2008

Cuộc chiến Giữa Báo Chí Và Vedan

'Cuộc chiến' giữa nhà báo và Vedan
Scandal "giết" sông Thị Vải của Cty "Vedan" không chỉ đi vào lịch sử... vi phạm môi trường ở Việt Nam về sự tinh vi, thời gian diễn tiến lâu, quy mô lớn, mà còn tạo cơ hội tác nghiệp có một không hai cho giới truyền thông.

Trò chuyện giữa lúc bầu không khí nóng bỏng mà Vedan tạo ra vẫn hừng hực, nhà báo Ngô Sơn, phóng viên báo Lao Động theo dõi vùng Đông Nam Bộ (trong đó có tỉnh Đồng Nai) kể cho chúng tôi nghe về những ngày tác nghiệp, nếu không muốn nói là "chiến đấu" để giành giật những thông tin về Vedan.

Từ thông tin đến suy nghĩ và hành động

Thông tin Vedan xả chất thải bị bắt quả tang, tôi nghe phong thanh qua đồng nghiệp vào chiều trước khi VTV phát sóng (chiều thứ bảy 13/9/2008). Chuyện Vedan xả chất thải thì hơn 10 năm qua, dân tố nhiều rồi, vậy là bây giờ mới có bằng chứng, dứt khoát cùng với thương hiệu Vedan, đây sẽ là một sự kiện chấn động.

Năm 2002, tôi từng điều tra về việc xe của Vedan xả "trộm" chất thải lỏng xuống ruộng của dân bị Công an huyện Tân Thành bắt (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), hồ sơ cầm về nhiều nhưng gặp nhiều khó khăn nên không triển khai được.

nhabao.jpg
Đoàn PV khảo sát trên sông Thị Vải

Nhiều năm đi công tác ở miền Đông Nam Bộ, chỉ cần đến gần bờ sông Thị Vải, nghe mùi hôi thối bốc lên ngột ngạt, thấy tình cảnh dân, với những vuông tôm trơ trụi hoang tàn vì ô nhiễm, cũng ấm ức nhưng tìm chứng cứ quả khó khăn.

Đêm đó tôi thức đến 2h sáng để lật giở lại tất cả các hồ sơ tài liệu về Vedan từ trước đến nay. Mặt khác tôi cũng trăn trở, liều sẽ "làm rõ" đến đâu, khi từ nhiều năm trước, qua nhiều báo, thậm chí cả báo địa phương (báo Đồng Nai) cũng phản ánh việc Vedan gây ô nhiễm. Vậy mà 14 năm trời đã xử lý được đến đâu?

Sáng hôm sau chưa kịp báo cáo thì Ban biên tập đã điện thoại chỉ đạo phải vào cuộc ngay, bám sát với tinh thần chiến đấu cao, thông tin phải "sắt", quá trình triển khai có ý tưởng, vướng mắc, cần phối hợp cứ gọi điện yêu cầu sẽ đáp ứng ngay... Hai ngày đầu tôi độc lập tác chiến, tiếp đó báo huy động thêm nhiều phóng viên vào cuộc tại cả Hà Nội và TP. HCM, ngoài ra các cây bút chuyên bình luận cũng "nổ súng".

Ngay sau đó tôi có mặt ở sông Thị Vải (chủ nhật 14/9), hiện trường nằm bên trong nhà máy, lực lượng báo chí đông đảo nhưng không báo nào vào được ngoại trừ đoàn kiểm tra liên ngành và công an. Ngay cuốn băng phát sóng trên VTV cũng là băng do đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN&MT cung cấp.

Các phóng viên lăn xả nhiều chỗ, thậm chí thuê cả ghe thuyền giá có lúc cả 400.000 đồng để chở đi chụp các cống xả thải của Vedan, hỏi han tìm hiểu nhân dân, nhưng quá nhiều câu hỏi dân không thể trả lời được: Cơ quan chức năng còn phát hiện những gì? Vì sao Vedan bây giờ mới lộ diện? Trách nhiệm chính quyền địa phương đến đâu? Vedan nói gì?... Trách nhiệm thông tin đến công luận lúc đó thực sự đè nặng lên vai các nhà báo.

Giữa lúc bí, có nguồn tin cho hay, Sở TN&MT Đồng Nai cũng có thành viên tham gia trong đoàn kiểm tra, tất sẽ có báo cáo diễn biến, sẽ phải giải trình với lãnh đạo tỉnh. Như vậy đây sẽ là luồng thông tin vừa chính thống, lại chính xác hơn là mò mẫm ngoài sông, và cũng là thời điểm có thể chất vấn trách nhiệm sự quản lý kiểm soát của Sở... Thế nên phóng viên kéo nhau về Sở để chất vấn. Cứ thế, bằng cách này hay cách khác, thông tin của vụ việc được báo chí chuyển tải đến công luận cả nước...

NgoSon.jpg
Nhà báo Ngô Sơn

Về vụ việc và thông điệp

- Hơn chục ngày qua, những chuyển động nào trong vụ Vedan gây ấn tượng với anh?

- Thứ nhất là việc cùng lúc 2 đoàn của 2 cơ quan (Bộ TNMT và Công an) cùng vào cuộc vụ Vedan. Thứ hai là thái độ quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc làm rõ sai phạm. Và thứ ba là sự đeo bám sự kiện, sự cạnh tranh thông tin quyết liệt của phóng viên các báo, từng giờ, ngày đêm.

- Theo anh vụ việc sẽ đi đến đâu?

- Còn nhiều vấn đề cần làm rõ lắm: đoàn của Bộ TN&MT xác định Vedan trốn phí xử lý thải hơn 90 tỷ. Theo mình là chưa đủ: Với 44.800 m3 dịch thải lỏng sau lên men, đáng lẽ phải tái sản xuất 100% thì Vedan thừa nhận thải ra sông (cái này khác với nước thải dùng để tái sản xuất 100%, lưu ý nhé). Thì nếu chi phí 1m3 xử lý chất này ra nước thải đạt chuẩn (tính cả giá thành đầu tư máy móc điện đóm vận hành) hết khoảng 60.000 đồng/1m3. Với 44.800m3/tháng (kết luận của Bộ TNMT) thì Vedan còn bỏ túi khoảng gần 3 tỷ đồng/tháng. Khoản này chưa được làm rõ, và làm rõ sẽ xử lý ra sao?

Nếu phát hiện tất tật sai phạm, rút giấy phép thì lại không thuộc thẩm quyền Bộ TN&MT. Nếu đóng cửa nhà máy, ảnh hưởng đến 2.700 công nhân và hàng chục ngàn nông dân sản xuất nguyên liệu cho Vedan, chưa nói hệ thống phân phối?! Nếu xử lý hình sự, thì luật lại chưa quy định truy cứu pháp nhân (Cty) mà chỉ Thể nhân (cá nhân)...

- Anh nghĩ sao về một làn sóng báo chí và người dân cả nước đang phanh phui, tố cáo các tiêu cực môi trường lớn nhỏ?

- Đó là một sự phấn khởi, tin tưởng để rồi không chỉ dư luận, báo chí mà người dân dấy lên phong trào bảo vệ môi trường, tuy nhiên mình cũng lo ngại, nếu xong "Vedan" rồi trở lại như cũ ở nơi khác, tức là chỉ "làm điểm", làm "phong trào" thì e rằng...

Trước đó, tỉnh Đồng Nai (nơi Vedan đóng đô) đã từng có một cuộc họp, một lãnh đạo Sở ngành (tôi quên tên) bức xúc mà nói rằng: "Bây giờ, không còn là thời điểm bất chấp môi trường vì kinh tế như thời gian qua". Tôi nghĩ đó chính là thông điệp của xã hội.

8 tiếng đợi Vedan!

Sáng ngày 19/9, Vedan chấp nhận gặp báo chí, anh em Sài Gòn đổ xuống có mặt đúng 8h. Mấy lần trước gọi điện, đại diện Vedan dứt khoát không chịu tiếp. Lần này khác hẳn, bảo vệ ok ngay, cho vào, gửi xe ở bãi xe và đi xe máy có biển số "Vedan" do 1 bảo vệ lái chở vào phòng họp. Cửa phòng lại có 2 bảo vệ gác, đi một bước là ánh mắt các bác bảo vệ dõi sát...

Tuy nhiên, chính xác là hôm đó cánh cửa Vedan rộng mở đón tất tật các bác nhà báo nào muốn nghe đại diện Vedan trần tình. Gần 20 phóng viên của hầu hết các báo được Vedan rộng cửa tống vào những phòng máy lạnh, chè thuốc nước thoải mái như sinh nhật.

Có 1 chị phục vụ rất nhiệt tình, muốn uống gì? cà phê: ok ngay. Hết cà phê, hết nước là rót ngay. Nói chung là tinh thần phục vụ giống như mình là thượng đế. Cứ phóng viên nào mới xuất hiện, các bậc đại diện Vedan lại tất tưởi chạy đến, mời ngồi ghế, uống nước, xin card... rất lịch sự lễ phép.

Cứ khoảng 1-2 tiếng, một phiên dịch và đại diện Vedan (người nước ngoài) lại bước vào phòng nói rất lịch sự: "Mong các ký giả chờ chút, lãnh đạo cao cấp Vedan đang làm việc với đoàn kiểm tra, sắp xong rồi. Xong là tiếp các ký giả ngay. Cám ơn nhiều nhiều các ký giả Việt Nam đã dành thời gian quý báu đến để nghe Vedan trần tình".

Cứ điệp khúc đó đến tận trưa, vị lãnh đạo Vedan vẫn... bặt vô âm tín. Các phóng viên nhà ta rát hết cả ruột. Bên ngoài đoàn liên ngành và công an đang làm việc khẩn trương, trong khi tất cả bị "nhốt" trong này, không có thông tin gì, thế có chết không?

Trong khi đó, sóng điện thoại trong phòng kín này thì chập chờn. Muốn ra ngoài gọi thì bảo vệ từ chối vì sợ ký giả Việt Nam mất an toàn trong khu vực đang làm việc. Anh em đề nghị trong thời gian chờ lãnh đạo cao cấp Vedan làm việc xong, thì cho báo chí đi quan sát các đường ống xả thải, hệ thống nhà máy... Nhưng vị đại diện rất lịch sự: "Ở đó công nhân đang làm việc, xe container ra vào nhiều, sợ nguy hiểm đến tính mạng của ký giả Việt Nam. Nếu để ký giả có vấn đề gì thì Vedan khổ lắm".

Cánh báo chí nói: "Công nhân làm việc được, tức là giữ được an toàn thì các nhà báo còn biết cách giữ an toàn hơn. Nếu bị sao không bắt đền Vedan đâu". Vị đại diện bí quá lắc đầu: "Cái này chỉ có lãnh đạo cao cấp Vedan mới quyết chớ tôi không có quyền. Mong ký giả lượng thứ".

Rồi đến khoảng 12h, thấy chị phục vụ bước vào, khệ nệ bê cơm, anh em ồ lên: Liệu có cơm chiều nữa không? (ý nói có chờ đến chiều luôn không). Chị phục vụ và cán bộ Vedan cười... tủm tỉm rồi lễ phép đặt hộp cơm lên bàn, bày đũa thìa, mời anh em xơi: "Đây là suất cơm cán bộ, hổng phải cơm công nhân. Chúc ký giả ngon miệng".

Nhiều PV muốn bỏ đi (có thể ra về rồi quay lại cũng được) nhưng lại sợ mất thông tin, sợ vị lãnh đạo cao cấp đến bất ngờ, hỏi thiếu thông tin thì... thế nên nghiến răng ăn cơm và quyết tâm "xem ai lì hơn ai".

Lần đầu tiên ăn cơm "cán bộ Vedan", không nước mắm, không muối, canh không bột ngọt Vedan, miếng thịt gà không nuốt nổi. Tóm lại là nhạt thênh thếch (chị phục vụ giải thích cán bộ nước ngoài của Vedan ăn như thế). Vậy mà cũng ráng ăn hết để "ai lì hơn ai".

Hết trưa, tới chiều, trong bụng đầy cơm nhạt, nước trà, cà phê, thuốc lá, chả có tí thông tin gì trong cái ngày 19/9 quan trọng (công bố kết luận sai phạm Vedan) mình mới bắt được liên lạc với một "đầu mối" thông tin, cứ chục phút gọi điện ghi chép lại diễn biến việc lãnh đạo cao cấp Vedan làm việc với đoàn kiểm tra thế nào.

Thông tin rời rã lúc này quý như vàng. Mỗi lần thấy mình alo là anh em lặng im ngay, tai giỏng lên, căng hết cỡ, sổ sách nhăm nhăm ghi. Híc phải có cái gì chở chẳng lẽ thua à? 15h chiều, nguồn tin báo: lãnh đạo cao cấp Vedan vẫn tranh cãi về câu chữ với đoàn kiểm tra, chưa chịu ký biên bản sai phạm. 16h... cũng chưa ký. Anh em ngồi không nổi, đứng không xong, bỏ đi không nổi (vì chờ đến lúc này rồi mà). 16h50, nguồn tin báo "ký rồi"!

Vị đại diện Vedan và mấy bác bảo vệ cũng hồi hộp báo cáo với các nhà báo: lãnh đạo sắp tới rồi! Anh em hối hả dọn lại phòng rồi bày máy móc, kiểm tra máy ảnh, máy ghi âm và giở sổ chi chít những chất vấn suốt cả ngày bực quá đã soạn ra...

17h, ông K.H.Yang (Phó Chủ tịch HĐQT Vedan) bước vào và... câu đầu tiên là xin lỗi bắt ký giả tốn thời gian quý báu, bởi vì công việc với đoàn kiểm tra lâu quá. Câu thứ 2 là xin lỗi người dân, xin lỗi có xả chất thải...

Mẹ ơi! Người dân đã chờ câu đó từ 14 năm rồi, các nhà báo mới chờ đợi có 8 tiếng nhằm nhò gì đâu?

Theo Trần Minh (Theo lời kể của nhà báo Ngô Sơn)

(Theo NB&CL

Không có nhận xét nào:

Search Box

Loading