Tìm kiếm trong Blog này

6 tháng 9, 2008

VỀ VIỆC DẠY CHÍNH TRỊ Ở ĐẠI HỌC VIỆT NAM

BBCVietnamese.com

16 Tháng 3 2006 - Cập nhật 23h35 GMT

Tưởng Bình Minh
Hungary

Về việc dạy chính trị ở đại học Việt Nam

Chương trình đào tạo nên một cử nhân đại học ở Việt Nam có khoảng 300 học trình. Song có đến 1/10 (tương đương với một học kỳ ) trong số đó được dành cho các môn chính trị như ’Triết học Mác-Lênin’, ’Kinh tế -chính trị Mác-Lênin’, ’Chủ nghĩa xã hội khoa học’, ’Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam và ’Tư tưởng Hồ Chí Minh’ (?!).

Những môn chính trị này theo chân các sinh viên từ học kỳ này qua học kỳ khác, từ khi họ vào được đại học cho đến khi ra trường.

1. Nói đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, đầu tiên, người ta thường dẫn chứng tới chất lượng, cách sắp xếp và tính thực tiễn của các môn học trong chương trình giảng dạy. Ai cũng biết chất lượng của bậc giáo dục đại học ở nước ta hiện nay còn yếu kém, ít ra là so với những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia ( chưa dám sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu , Mỹ và Úc ).

Nhưng là do đâu? Theo tôi, ngoài những thua sút về chất lượng giảng viên và điều kiện vật chất phục vụ cho việc học tập của sinh viên, - thì nguyên nhân chính của thực trạng đáng buồn trên bắt nguồn từ việc giảng dạy vô tội vạ các môn học chính trị.

Không thể có được một chất lượng giáo dục tốt chừng nào còn có tới 1/10 số học trình được giảng dạy chẳng liên quan gì đến chuyên môn ngành nghề đào tạo.

Người ta hô hào quá nhiều về mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước Việt Nam trong một tương lai gần. Song họ lại không chịu nhận ra một sự thật, rằng muốn có được công nghiệp hay hiện đại thì phải cần tới nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề cao, thay vì giỏi lý luận suông về các loại ’chân lý’ Mác-Lênin.

2. Trong lúc việc giảng dạy chính trị được ’chú trọng’ quá mức cần thiết như vậy, trải dài từ ban khoa học xã hội bậc chuyên ban trung học phổ thông cho tới bậc giáo dục cao đại học,cao đẳng và sau đại học; trong khi người người dù muốn hay không cũng cố mà tìm hiểu Lịch sử Đảng đế lấy cho được mảnh bằng, thì việc giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường được chú trọng ra sao? Ở đợt thi tuyển đại học vừa qua, gần 14 ngàn thí sinh bị điểm 1 môn lịch sử, báo chí trong nước đã phải dùng đến những từ như “bàng hoàng”, ‘thê thảm” để nói về thành tích kém cỏi đó.

Tôi lo sợ rằng, cứ tiếp tục bây giờ thì chẳng bao lâu nữa, người trẻ Việt Nam mình sẽ biết tới mấy ông tây Karl Marx và Vladimir Ilich Lenin còn rõ hơn nhiều so với việc biết về những bậc liệt tổ liệt tông của họ như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung Nguyễn Huệ.

Cầm cuốn ’Việt Nam sử lược’ của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim (1882-1953) mà ứa nước mắt khi đọc thấy những dòng tựa này : ’ Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình … Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn ’

Cây có cội, nước có nguồn. Tình yêu của con người ta đối với Tổ quốc đất nước bao đời này luôn tự nhiên như là tấm lòng của họ đối với mẹ cha, như đối với anh chị em ruột thịt vậy. Làm sao cần phải và làm sao có thể ’ định hướng’ được những tình cảm thiêng liêng đó?

Làm sao cần phải và làm sao có thể đồng nhất được tình yêu Tổ quốc vua Hùng với tình yêu Tổ quốc XHCN ? Không cần tới CNCS, nước Nam này cũng đã và sẽ còn có bao bậc anh hùng dũng sĩ sẵn sàng xả thân vì sự hưng vong của dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng ...

3. Với những môn học chính trị hiện nay tại Việt Nam, sự thật không được nói tới rõ ràng. 'Đấu tranh giai cấp’ của CNCS là gì nếu không bao gồm cả cuộc cải cách ruộng đất do Đảng tiến hành vào những năm 1953-1956 khiến hàng trăm ngàn người Việt bị chính đồng bào họ đấu tố sỉ nhục tinh thần và nhân phẩm trước khi bị xử tử ngay tại chổ ? ’ Đấu tranh giai cấp’ là gì nếu không phải là người Việt giết hại người Việt ? Những quá khứ thương đau đó đã qua được nửa thế kỷ rồi, nhưng đọc lại những ’vần thơ’ của thi sĩ lãng mạn cách mạng Tố Hữu cổ động cho công cuộc cải cách ruộng đất mà tôi vẫn không khỏi bàng hoàng :

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít- ta-lin bất diệt”

’Công hữu hóa tư liệu sản xuất ’ của CNCS là gì nếu không bao gồm cả việc đánh tư sản mại bản, thực hiện chính sách cào bằng phi giai cấp khiến mọi người cùng nghèo như nhau, áp dụng kinh tế bao cấp lên miền Nam những năm 1975 đến 1986 , - khiến cho đời sống nhân dân khổ cực lầm than, để bây giờ đất nước tụt hậu đến 20 năm so với Thái Lan?

Nếu ví công cuộc phát triển kinh tế đất nước như việc người ta rướn người lên để hái quả thì chưa bao giờ Đảng đưa cho nhân dân một cái ghế để người ta đứng cao hơn cả. Những năm 1975-1986, với việc áp dụng lý thuyết ’công hữu hóa tư liệu sản xuất’ của CNCS, Đảng đã đào hố và bắt người dân nhảy xuống đó mà vươn tay hái trái . Hiện nay, nhân dân vẫn chưa được đứng trên mặt đất đâu !

Tại sao khi giảng dạy các môn học chính trị cho thanh niên, Đảng lại không dám nói về những sự thật trên? Đảng nói quá nhiều về một mục tiêu XHCN xa vời xa, nhưng lại không dám nói về những sự thật còn chưa nguôi nỗi đau do chính CNCS gây nên cho nước Việt này? Viết tới đây, tự dưng tôi nhớ đến một câu đùa của ai đó :’ Một Sự thật Lớn là một sự thật mà điều ngược lại của nó cũng là một Sự thật Lớn ’

4. Với việc nhấn mạnh đến các khái niệm ’giá trị thặng dư’, ’mua rẻ bán đắt’, ’bóc lột’, ’đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản’ ,-các môn chính trị hiện nay khiến nhiều thanh niên có cái nhìn ác cảm không cần thiết đối với những người buôn bán kinh doanh đơn thuần và giới tư bản nói chung.

Cha ông ta đã nói ’phi thương bất phú’, liệu bọn ’con buôn’ ấy không phải là những người đang làm giàu cho chính họ, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người khác, đồng thời thông qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế quốc gia ? ’Bọn tư bản ’ là ai nếu không bao gồm cả những tập đoàn kinh tế nước ngoài mà chính phủ Việt Nam đang mời gọi họ vào đầu tư làm ăn ? ’Bọn tư bản bóc lột’ ấy còn là ai nếu không bao gồm cả những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà cơ hội được làm việc cho họ là ước mơ của nhiều thanh niên Việt Nam ?

5. Tác hại lớn nhất của việc nhồi nhét các môn chính trị chính là làm thui chột khả năng độc lập suy nghĩ và văn hóa tranh luận của thanh niên Việt Nam. Người ta dùng quá nhiều mỹ từ như ’chân lý khách quan’, ’tất yếu lịch sử” để phán xét về tính ’ đúng đắn’ và ’sai trái’ của các vấn đề một quá cách giản lược thông qua hệ quy chiếu của riêng mình.

Nhiều thanh niên hiện nay [chính bản thân tôi cũng đã từng như thế ] có tâm lý là sướng run người khi nghe ai khen Việt Nam và giận sôi máu khi nghe lời chê bai đả kích dành cho những thực trạng đang diễn ra tại mảnh đất hình chữ S này.

Thậm chí, chưa tranh luận thì đã buông lời bài xích người đối thoại bằng những câu từ rất nặng nề như ’ nói xấu đất nước’, ’bôi nhọ quê hương’, ’quay lưng lại với Tổ quốc’, ’phản động’ … Không có khả năng chấp nhận những chỉ trích thì làm sao có thể bình tĩnh đối thoại để tìm ra cội rễ vấn đề và các giải pháp để cải thiện tình hình? Không có khả năng bình tĩnh đối thoại thì làm sao có được cái nhìn cảm thông, dung thứ và tinh thần xây dựng đối với những người bất đồng chính kiến ?

Việc nhồi nhét các môn học chính trị như hiện nay khiến cho nhiều thanh niên tự ru ngủ mình và giỏi ngụy biện. Người ta nói hiện tượng không quyết định bản chất . Song nếu không phải là những hiện tượng đơn lẻ mà là một hệ thống các hiện tượng lặp lại thường xuyên thì có thể nói sao về bản chất? Tham nhũng ở Việt Nam ? Vâng, thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam là nồi canh hay nồi sâu ? Tại sao chỉ nói ’ ở trong chăn mới biết chăn có rận’ và khi rận quá nhiều thì sao không tự hỏi mình rằng lũ ký sinh trùng nhung nhúc đó từ đâu ra ? Có phải do cái chăn quá bẩn không ?

Làm sao mà người ta có thể dùng tay phải để chặt tay trái của mình được ? Làm sao có thể chống tham nhũng hiệu quả với giải pháp vừa đá bóng vừa thổi còi, khi mà Đảng là pháp luật và pháp luật cũng chính là Đảng ?

Kiến nghị và tâm sự thanh niên

Như trên đã phân tích, việc giảng dạy ồ ạt các môn chính trị hiện nay không những làm cho chất lượng giáo dục của Việt Nam lâm vào tình trạng yếu kém, mà còn làm thui chột khả năng tranh luận và phản biện của nhiều thế hệ thanh niên.

Có bắt buộc được các sinh viên mặc đồng phục quần áo đến giảng đường đâu mà ép họ phải mặc ’đồng phục tư tưởng’? Tại sao cứ phải bắt buộc ép uổng mà không phát huy tính dân chủ ngay trong giáo dục? Theo tôi, nên xem các môn chính trị như là những môn học tự chọn. Sinh viên nào muốn lấy thêm học trình hoặc yêu lý tưởng CNCS, CNXH quá thì có thể đăng ký theo học.

Kiến nghị là kiến nghị vậy thôi, dù là người lạc quan trong cuộc sống, tôi vẫn chẳng tin Đảng sẽ từ bỏ quyết tâm giáo dục tư tưởng và phẩm chất những thế hệ thanh niên Việt Nam theo định hướng XHCN. Đến các bậc giáo sư tiến sĩ, các nhà lý luận tài ba nhất của Đảng hiện nay vẫn mù mờ về khái niệm oái oăm ’ định hướng XHCN’ này, nói chi tới đám dân đen con đỏ còn lại? Chẳng lẽ dân tộc ta lại vẫn cắm đầu theo một con đường mù mờ với mong muốn đạt tới một mục tiêu cũng mù mờ ?

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chẳng có một chế độ hay triều đại nào có thể tồn tại được ở Việt Nam quá 300 năm.

Tôi tin rằng dù Đảng Cộng Sản Việt Nam có gượng được hơn 300 năm đi chăng nữa thì những năm tháng của Đảng cũng chỉ là khoảnh khắc hữu hạn trong lịch sử trường tồn của dân tộc mà thôi. Ba trăm năm là quá dài với mỗi đời người nhưng chỉ là cái chớp mắt của lịch sử.

Những giá trị mà hôm nay người ta tưởng là vĩnh cữu thì ngày sau đã lạc hậu và bị người đời bỏ quên. Lịch sử cùng thời gian sẽ phán xét tất cả. ’Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi’ . Làm gì có Tổ quốc XHCN vĩnh cửu ? Người nước Nam này chỉ có một Tổ quốc duy nhất, đó là Tổ quốc của những vua Hùng mà thôi.

Kể chuyện học Triết học Mác-Lênin

Năm học 1999-2000, tôi đỗ vào trường Đại học Kỹ thuật Đà Nẵng, chuyên ngành đào tạo kỹ sư hóa dầu do chính phủ Pháp tài trợ. Theo đó, trong hai năm đầu tiên, ngoài những môn học chính khóa bằng tiếng mẹ đẻ, chúng tôi còn được dạy Pháp văn một cách bài bản. Từ năm thứ 3 trở đi sẽ được tiếp cận các kiến thức kỹ thuật qua ngôn ngữ của xứ sở gà trống Gaulois.

Nói thì nghe hay vậy, song ở học kỳ đầu tiên, chúng tôi không được dạy bất cứ một thứ gì liên quan đến môn Hóa cả. Thay vào đó là mỗi tuần 4 tiết học Kinh tế chính trị Mác-Lênin. Đến lúc này thì nhiều người đã bắt đầu lo ngại về chất lượng của một chương trình đào tạo Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta.

Có vẻ như người ta vẫn chưa muốn tư tưởng lớn của hai cụ Karl Marx và Vladimir Ilich Lenin sẽ không còn dịp sống mãi trong trái tim của mấy gã thanh niên mới 18 tuổi đầu đã bập bẹ tiếng Tây và tiêu pha nhờ học bổng của tư bản.

Thế cho nên ở học kỳ thứ 2, ’những triển vọng kĩ sư hóa dầu’ lại ’được’ đến với chân lý CNCS, CNXH qua 4 học trình môn Triết học Mác-Lênin. Ấy là chưa kể tới một lô lốc các loại ’chân lý’ khác nhau như ’Chủ nghĩa xã hội khoa học’, ’Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam’, ’Tư tưởng Hồ Chí Minh’ cho tới khi chúng tôi bước được chân ra khỏi cổng trường đại học.

Nhưng trên hết, kỷ niệm về những tiết học của môn Triết học Mác-Lênin sẽ khó mà phai mờ trong tôi. Thật sự, đó không hẳn chỉ là những buổi nghe giảng thông thường, mà còn là những cuộc ’đấu trí’ đầy kịch tính.

Cần phải nói thêm rằng, với đa số các sinh viên trong ngành tôi xuất thân là ’dân’ nhẵn đít khoa học tự nhiên, thành ra những danh từ như ’khoa học biện chứng’, ’giá trị thặng dư’, ’ đấu tranh giai cấp’, ’công hữu hóa tư liệu sản xuất’ …quả là khô khan và khó nhằn. Giảng đường vắng bóng sinh viên dần cho tới khi thầy giáo ban bố ’lệnh giới nghiêm’ : điểm danh – ai vắng quá 3 buổi sẽ bị đánh trượt.

Ban đầu thầy thường điểm danh vào đầu buổi giảng, nhưng sau khi xướng tên xong thì nhiều trong số bọn chúng tôi lại lặng lẽ ’chuồn’ ra ngoài. Thầy bèn thay chiến thuật, đổi sang điểm danh vào cuối giờ.

Bọn tôi bèn đối phó bằng cách lẻn vào lớp vào những phút cuối. Một số gã vắng mặt còn nhờ bạn xướng hộ tên, nhưng thầy biết được nên chuyển đổi ’cơ chế’ điểm danh miệng sang điểm danh bằng giấy.

Nghĩa là thầy sẽ phát cho chúng tôi một tờ giấy và mọi người chuyền tay nhau ghi tên mình vào đó, trong lúc đó thầy sẽ cẩn thận đếm số ’ đầu người’ có mặt tại buổi học. Đến nước này thì các ’kỹ sư tương lai’ phải đầu hàng vô điều kiện, cho dù chán học đến đâu thì cũng cố lết thân tới lớp.

Thầy giáo nói về khái niệm ’giá trị thặng dư’ rồi kết luận bọn tư bản con buôn chính là bọn mua rẻ bán đắt, chỉ có người vô sản là bị bóc lột. Tôi bỗng liên tưởng đến chị bán xôi và bà chủ quán cơm bụi. Ôi, những con người xởi lởi và đáng mến đó có thể là quân bóc lột gì ư? Hay là họ tự ’bóc lột’ chính họ ?

Chị bán xôi thường khoe với tôi về con trai chị. Cậu bé đang học lớp Bảy và được nhận bằng khen vì thành tích học tập. Chị nói rằng dẫu khổ sở vất vả đến mấy cũng cố cho con trai của chị vào được đại học như tôi bây giờ. Thế thì cái ’lợi nhuận’ từ ’giá trị thặng dư’ của người đàn bà tội nghiệp với ước mơ bình dị nuôi con ăn học đó là từ đâu mà ra ? Hay là chị mua rẻ bán đắt để bốc lột những thằng sinh viên nghèo bằng mấy miếng xôi sáng ? Đầu óc tôi quay cuồng. Đầu óc của một cậu trai 18 tuổi quay cuồng.

Thầy nói về một tương lai ’giãy chết’ của bọn tư bản. Giọng của thầy khá rụt rè. Từ ’giãy’ mà thầy dùng khiến tôi nghĩ ngay tới động từ ’nằm’. Khi nằm thì người ta mới có thể giãy, có ai đang đứng mà giãy đâu?

Tôi mơ màng về những cô gái Pháp xinh đẹp đang nằm phơi thân mình hấp dẫn của họ trên những bãi biển đầy nắng gió Âu châu. Nhưng rồi tiếng đặng hắng phát ra từ cái cổ họng khản đặc của thầy đã làm tôi quay về với thực tại tiết học. Tôi lại miên man. XHCN có còn xa không ? Ba mươi năm nữa? Ba trăm năm nữa hay ba ngàn năm nữa ? Không ai biết ! Đó là một thế giới đại đồng, người với người sống yêu thương, không chút tư lợi, chẳng ai bóc lột ai. Thiên đường dưới hạ giới chăng?

Ở Anh ở Pháp và vô số những nơi khác mà bọn tư bản thống trị, nếu thất nghiệp thì người ta vẫn còn có tiền trợ cấp để sinh sống, để sang Việt Nam làm tây balô.

Còn ở nước tôi khối người làm hết hơi ra mà chẳng đủ ăn. Nếu có thiên đường XHCN thật , tôi tin rằng nước Anh nước Pháp cũng sẽ làm cho giấc mơ của các cụ Karl Marx và Vladimir Ilich Lenin trở thành hiện thực sớm hơn nước Việt Nam mình chí ít cũng vài trăm năm. Mà cũng lạ, Đảng thông minh hơn phần còn lại của thế giới này chăng?

Mác nói muốn có XHCN thì phải qua TBCN, tức là phải tích lũy của cải, tích lũy thặng dư. Đằng này, đùng một cái, chúng ta lại muốn nhảy từ phong kiến lên XHCN. Người ta đã nói nhiều tới những cụm mỹ từ như ’quá độ đi lên XHCN’, song đi mãi mà chẳng thấy tới nơi.

Cũng là ’học hỏi Tây phương ’cả, tại sao Việt Nam chúng ta lại không học theo những giá trị tiến bộ mấy ông Tây ở những thế kỷ 20, 21 này để đem lại thịnh vượng cho đất nước như các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc - mà lại khăng khăng kiên định lập trường lý tưởng của mấy ông Tây hồi đầu thế kỷ 19?

Nghĩ đến đó, tôi bỗng cảm thấy hoang mang. Tôi càng hoang mang hơn vì nhận ra rằng chẳng có ai dám thắc mắc hay phản đối lời thầy nói. Tôi cũng muốn thắc mắc và phản đối lắm, nhưng cuối cùng lại im lặng như các bạn của mình. Im lặng tức thời không có nghĩa là đồng ý. Nhưng nếu im lặng quá lâu thì mọi hoài nghi sẽ biến mất. Và khi con người ta không đủ sức để hoài nghi nữa thì mọi điều vô lý nhất cũng có thể biến thành chân lý.

(Đọc để tham khảo nhé mọi người...!!!, bài mình tình cờ đọc được trên BBC)

Bài chỉ mang nêu quan điểm cá nhân của tác giả, người post ko chịu trách nhiệm về nọi dung của bài viết....

Không có nhận xét nào:

Search Box

Loading